Đời sống

Vị Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên: Đích thân Bác bổ nhiệm, về sau làm Thủ tướng tại vị lâu nhất

Vị Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên: Đích thân Bác bổ nhiệm, về sau làm Thủ tướng tại vị lâu nhất

Làm Bộ trưởng Bộ Tài chính giữa thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn nhưng vị lãnh đạo này đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ. Sau này ông đã trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất ở nước ta.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh, bắt đầu kỷ nguyên mới độc lập, tự do cho dân tộc ta. Lúc này đây, nhà nước ta vẫn còn non trẻ, đương đầu với 3 thứ giặc lớn là: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Tình thế chính trị, xã hội phải nói là rơi vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Sau ngày Chính phủ Lâm thời ra mắt quốc dân, đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Tài chính cho đồng chí Phạm Văn Đồng.

co-bo-truong-pham-van-dong-1
Chân dung cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh: Báo Đồng Nai

Đồng chí Phạm Văn Đồng (1906 – 2000), quê ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông xuất thân trong một gia đình trí thức, thường được gọi thân mật là Tô. Sinh thời, ông là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là một nhà lãnh đạo uy tín, tài năng, có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước.

Sau khi trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên, đồng chí Phạm Văn Đồng ngay lập tức bắt tay vào kiến thiết nền kinh tế, tài chính nước nhà. Bấy giờ ngân quỹ nước ta gần như trống rỗng nhưng Đảng và Chính phủ lại có nhiều nhiệm vụ phải thực hiện như xây dựng chính quyền, khôi phục và phát triển sản xuất, giải quyết hậu quả của thiên tai, nạn đói... Ngành tài chính vì thế phải giải được bài toán huy động mọi nguồn lực tài chính để đáp ứng nhu cầu chi tiêu khẩn cấp và quan trọng của Chính phủ.

co-bo-truong-pham-van-dong-6
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ lâm thời sau phiên họp đầu tiên ngày 3/9/1945, Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng - người thứ 2 hàng trên, từ trái sang. Ảnh tư liệu

Là người đứng đầu ngành tài chính, Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã chỉ đạo toàn Ngành tập trung xây dựng hệ thống chính sách tài chính theo quan điểm lấy dân làm gốc, dựa vào dân, phục vụ dân, vừa đảm bảo lợi ích quốc gia, vừa phù hợp với quyền lợi, nguyện vọng của dân.

Đồng chí Phạm Văn Đồng đã cùng toàn ngành Tài chính cải cách hệ thống thuế cũ, bão bỏ những loại thuế bất hợp lý, xây dựng chế độ mới phù hợp. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn kêu gọi nhân dân tự nguyện đóng góp, ủng hộ chính quyền cách mạng. Quốc sách hàng đầu của nước ta khi đó là đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, khích lệ toàn dân tham gia hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

co-bo-truong-pham-van-dong-3
Phái đoàn ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, đến Genève (Thụy Sĩ) tham dự Hội nghị Genève về Đông Dương. Ảnh: TTXVN

Để chủ động về mặt tài chính, Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã phát hành Giấy bạc Tài chính hay Giấy Bạc Cụ Hồ. Các họa sỹ nổi tiếng đương thời đã được đồng chí Phạm Văn Đồng mời đến tham gia vẽ mẫu tiền Giấy bạc Tài chính Việt Nam. Một thời gian sau, 4 mẫu giấy bạc: 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 100 đồng đã ra đời. Thị xã Quảng Ngãi chính là nơi đầu tiên được Chính phủ lựa chọn phát hành thí điểm loại tiền giấy này (3/2/1946). Về sau, nó được sử dụng ở hầu khắp các tỉnh miền Nam Trung Bộ.

Một trong những dấu ấn của đồng chí Phạm Văn Đồng trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Tài chính không thể không kể đến “Tuần lễ Vàng” (17/9 – 24/9/1945) trong khuôn khổ Quỹ Độc lập. Đây là hoạt động nhằm động viên người dân yêu nước tự nguyện đóng góp cho Tổ quốc.

Đồng chí Phạm Văn Đồng không chỉ là nhà cách mạng tiền bối của Đảng, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là một vị lãnh đạo ưu tú đi vào lịch sử dân tộc.

co-bo-truong-pham-van-dong-4
Thủ tướng Cuba Fidel Castro cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong cuộc mít tinh của nhân dân Quảng Trị chào mừng đoàn đại biểu Cuba đến thăm vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 15/9/1973. Ảnh: TTXVN

Tháng 7/1949, đồng chí Phạm Văn Đồng được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao. Sau này, từ 1955 – 1987, đồng chí Phạm Văn Đồng là Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 1986 – 1997, ông là Cố vấn BCH Trung ương Đảng. Tính đến hiện tại, đồng chí Phạm Văn Đồng là người tại vị lâu nhất với cương vị Thủ tướng Việt Nam với 32 năm.

Ngày 29/4/2000, người lãnh đạo cả đời tận tụy vì nước, vì dân đã ra đi ở tuổi 94, tại Hà Nội. Ông đã có 75 năm cống hiến cho cách mạng liên tục, không ngừng nghỉ. Cuộc đời vị chính khách này là những năm tháng mang hết tài năng, trí tuệ, nhiệt huyết để phục vụ cho Tổ quốc.