Đời sống

Hà Nội và miền Bắc liên tục hứng sét đánh trắng trời, liệu có liên quan đến vấn đề tâm linh?

Hà Nội và miền Bắc liên tục hứng sét đánh trắng trời, liệu có liên quan đến vấn đề tâm linh?

Liên tục trong những tháng qua, Hà Nội nói riêng và các tỉnh miền Bắc nói chung đã hứng hàng chục nghìn cú sét đánh. Liệu điều này có liên quan đến yếu tố tâm linh?

Vài tháng qua, Hà Nội, Thái Nguyên, Hòa Bình và các tỉnh thành Bắc Bộ xảy ra những trận mưa lớn kèm theo gió giật, sấm sét dày đặc. Thống kê nhanh của Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn Quốc gia hồi tháng 6/2024 cho biết, chỉ trong vòng 3 tiếng buổi sáng, Hà Nội và một phần lãnh thổ các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yến hứng hơn 10.511 cú sét đánh.

“Đây là một con số kỷ lục thế giới, chưa nơi nào có”, TS Nguyễn Ngọc Huy, Chuyên gia về Biến đổi khí hậu và Quản lý rủi ro thiên tai nhận định.

sam-set-o-ha-noi-3
Phân bố mật độ sét thời điểm 22h10 tối 22-8. Ảnh: Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia
sam-set-o-ha-noi-5
Hình ảnh tại khu vực quận Thanh Xuân lúc 19h30. Ảnh: Zing

Trong khi đó, tối 22 và 24/8, thống kê của Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia cho biết đã có hàng nghìn cú sét đánh xuống đất và sét trong mây ở trên đất liền, trên biển và khu vực lân cận Việt Nam. Riêng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận từ 21h – 22h tối 22/8 trung bình 10 phút trôi qua có 600 – 1.200 cú sét đánh.

sam-set-o-ha-noi-1
Nhiều chia sẻ trên mạng cho rằng sét ở Hà Nội sáng nay liên quan yếu tố tâm linh. Ảnh chụp màn hình

Mạng xã hội bắt đầu đồn thổi liệu hiện tượng sấm sét trắng trời như vậy có liên quan gì đến tâm linh hay không? Câu trả lời từ các chuyên gia như sau:

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia khí tượng cho biết, nước ta là một trong những nơi có nhiều dông và xảy ra nhiều nhất tại vùng ven biển. Dông thường xảy ra vào mùa nóng trên lụa địa, đặc biệt vào chiều tối khi đối lưu trong đất liền phát triển mạnh hơn trên biển. Ở nước ta mùa dông sét thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 4 và kết thúc vào khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11, nhưng cũng tùy theo địa hình, mùa dông ở mỗi địa phương một khác.

sam-set-o-ha-noi-2
Sét đánh trên bầu trời Hà Nội tối 24-8. Ảnh: NAM TRẦN

Trong khi đó, TS Nguyễn Ngọc Huy trả lời Tri Thức Và Cuộc Sống, cho biết sấm sét là hiện tượng tự nhiên, không liên quan gì đến tâm linh. Việc Hà Nội có nhiều sấm sét là vì sự hội tụ của không khí lạnh đới cao đi từ Bắc xuống, gặp dải hội tụ nhiệt đới có trục Tây Nam sang Đông Bắc đi qua khu vực phía Bắc, tạo nên hiện tượng nén giữa các khối không khí. Khi không khí bốc hơi theo chiều đứng, gặp đới khí lạnh trên cao thì tạo nên sự ngưng tụ các hạt băng đột ngột, gây ra những cột mây lớn và cao. Mật độ hơi nước trong mây dày, tích tụ điện trái dấu thì phóng điện giữa càng tầng mây tạo ra tia sét. Việc mật độ mây càng dày, cột mây càng cao thì càng có nhiều sấm sét.

sam-set-o-ha-noi-4
Sét đánh trắng trời Hà Nội tối 24-8. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH TÙNG

Ông Nguyễn Đức Phương – Trưởng phòng Rada thời tiết, Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) thì trao đổi với Tri Thức Và Cuộc Sống: “Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á - một trong ba tâm dông trên thế giới, có hoạt động dông sét mạnh. Mùa dông ở Việt Nam tương đối dài, số ngày dông trung bình 100 ngày mỗi năm và số giờ dông trung bình là 250 giờ một năm. Mỗi năm, Việt Nam hứng chịu tới 2 triệu cú sét”.