Bí mật phía sau biểu tượng của Thủ đô Hà Nội: Người Thủ đô gốc chưa chắc biết, mang ý nghĩa đặc biệt
Từ năm 1997 đến nay, nơi đây được lựa chọn làm biểu tượng chính thức của Thủ đô Hà Nội. Ý nghĩa của công trình này là gì mà có vinh dự như vậy?
Nói đến biểu tượng của Hà Nội, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những công trình lịch sử hay di tích đi cùng năm tháng như Hồ Gươm, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Nhà Hát Lớn, Chùa Một Cột, Cầu Thê Húc… Nhưng có thể nhiều người không biết, Khuê Văn Các mới là biểu tượng của Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Trong Điều 6 Luật Thủ đô năm 2012 nêu rõ: “Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám”. Trong khi đó, báo Công An Nhân Dân cho biết, từ năm 1997 đến nay, Khuê Văn Các đã được UBND Thành phố Hà Nội chọn làm biểu tượng chính thức của Thủ đô.
Khuê Văn Các là công trình kiến trúc được xây từ năm 1805, dưới thời vua Gia Long. Đây là một trong năm cổng chia khu vực nội tự của Văn Miếu – Quốc Tử Giám thành 5 lớp không gian khác nhau. Cổng Khuê Văn Các thuộc lớp không gian thứ hai – khu Thành Đạt, nằm giữa cổng Đại Trung và Đại Thành.
Xưa kia Gác Khuê Văn là nơi để họp bình những bài văn hay của các sĩ tử trúng khoa thi hội. Nơi đây mang ý nghĩa biểu trưng cho tiến trình phát triển văn hóa của Việt Nam.
Biểu tượng của Hà Nội mang trong mình ý nghĩa vô cùng đặc biệt. “Khuê” có nghĩa là ngôi sao sáng, Khuê Văn Các là biểu hiện đỉnh cao của trí tuệ, củng cố chân lý: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” trên văn bia Văn Miếu.
Khuê Văn các có 8 mái, 2 tầng, nóc ở trên là 9. Theo Kinh Dịch, các số lẻ là dương, biểu hiện sự sinh sôi nảy nở. Gần Khuê Văn các là Thiên Quang tỉnh hình vuông, đại diện cho mặt đất, các cửa sổ tròn của gác Khuê Văn tượng cho bầu trời, là nơi tập trung mọi tinh hoa của đất trời...
Tựu chung lại, Khuê Văn các là biểu tượng cho mong ước phát sinh, phát triển của con người, vừa phù hợp với tư duy, ước vọng của người xưa, vừa đáp ứng được mong muốn phát triển của thời nay. (Chuyển dẫn theo Đức Huy, “Vằng vặc sao Khuê”...).
Ngoài ra, Khuê Văn Các còn được thiết kế theo lối kiến trúc tam quan truyền thống khi hai bên có hai cổng Bí Văn (văn chương trau chuốt, sáng sủa) và Súc Văn (văn chương hàm ý, súc tích).
Trước đó, trong quá trình tìm biểu tượng cho Thủ đô, các chuyên gia đã cân nhắc nhiều công trình, di tích lịch sử như Tháp Rùa – Hồ Gươm, Cột Cờ Hà Nội, sông Hồng, núi Tản Viên… Tuy nhiên, theo ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, HĐND TP Hà Nội chọn Khuê Văn Các vì đây là công trình văn hóa – lịch sử có kiến trúc độc đáo, nổi bật trong quần thể Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Nó thể hiện tinh thần hiếu học, nền văn hiến lâu đời, có tính thẩm mỹ và cả sự trang trọng.
Ngày nay, không khó để nhìn thấy Khuê Văn Các trong đời sống hàng ngày ở Hà Nội, có thể kể đến như trên biển tên đường phố, lan can, hay mới đây nhất là thẻ đi tàu tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội.