Đồng nghiệp của nữ bác sĩ bị cưỡng bức, sát hại dã man tại Ấn Độ sợ hãi tiết lộ bí mật ở bệnh viện
Một đồng nghiệp của nữ bác sĩ thực tập bị cưỡng bức, sát hại tại Ấn Độ đã chia sẻ về nơi làm việc của họ. Cô cũng cảm thấy lo sợ cho sự an toàn của chính mình.
Một nữ bác sĩ thực tập 31 tuổi ở Ấn Độ đã bị cưỡng bức, sát hại dã man ngay tại nơi làm việc. Sự việc này gây chấn động dư luận Ấn Độ và thế giới. Một nghi phạm đã bị bắt giữ nhưng vẫn chưa có kết luận cuối cùng từ cơ quan chức năng. Trong thời gian này, bên cạnh những cuộc biểu tình, các nhân viên y tế ở nước bạn cũng liên tục có chia sẻ liên quan.
Mới đây, Radhika (28 tuổi), đồng nghiệp của nữ bác sĩ xấu số đã lên tiếng. Cô cho biết mình trực đêm chỉ 2 ngày trước khi vụ việc xảy ra. Radhika xót xa chia sẻ: “Những gì cô ấy làm giống hệt với những gì chúng tôi thường làm. Đó là nằm xuống nghỉ ngơi bất cứ khi nào, ở đâu có thể”.
Radhika cho biết thêm, các nhân viên y tế thường xuyên làm việc nhiều giờ đồng hồ, “ăn thiếu bữa, ngủ thiếu giấc”. Các vụ tấn công, lạm dụng nhắm vào nữ bác sĩ không phải lần đầu diễn ra mà đã có từ trước đó. Vì tính chất công việc mệt mỏi, các bác sĩ thường chợp mắt ở những nơi tiện lợi.
Tuy bệnh viện có phòng nghỉ riêng nhưng nam và nữ dùng chung, lại không có khóa nên nhiều người chọn ngả lưng ở bất cứ nơi đâu có thể. Điều này dẫn đến những nguy hiểm rình rập với các nữ bác sĩ. Radhika cũng từng thót tim khi 2 người đàn ông xông vào căn phòng cô đang ngủ.
Theo lời Radhika, bác sĩ nam và nữ ở một số bệnh viện còn phải dùng chung nhà vệ sinh. Vào thời kỳ kinh nguyệt, đây quả thực là điều khiến phụ nữ thấy ngại ngùng. Ở vùng Kashmir, bác sĩ Rubeena Bhat cho biết đồng nghiệp của cô thậm chí chọn đến dùng nhờ nhà vệ sinh của cư dân sống quanh viện hơn là dùng chung với đồng nghiệp nam.
Tại Ấn Độ, phụ nữ chiếm gần 30% trong số các bác sĩ, 80% số nhân viên điều dưỡng. Sau vụ việc đau lòng vừa qua, hôm 20/8, Tòa án Tối cao đã lệnh cho lực lượng đặc nhiệm quốc gia phải xem xét tăng cường an ninh cho nhân viên y tế. Giới chức Ấn Độ cũng thừa nhận việc bị thiếu camera giám sát, không yêu cầu kiểm tra vũ khí với người thăm bệnh.
Giám đốc y tế Indira Kabade của Bệnh viện đa khoa KC tại TP Bengaluru tỏ ra lo lắng cho các nhân viên nữ: “Chúng tôi không biết liệu có ai theo dõi họ từ bệnh viện hay không”. Bà cùng các đồng nghiệp nữ mong muốn có hệ thống an ninh như sân bay, được bố trí thêm cảnh sát trong khuôn viên bệnh viện.
Nữ bác sĩ Thiruvananthapuram (bang Kerala) thì tiết lộ, cô cùng các nữ đồng nghiệp đã quá quen với việc phải đối mặt với lời lăng mạ, sự xâm hại mỗi ngày. Các nữ nhân viên y tế được khuyến khích tham gia lớp học tự vệ do hiệp hội y khoa tổ chức.
"Một số người gọi các bác sĩ là thiên thần. Họ nghĩ chúng tôi miễn nhiễm với các hành vi tội phạm. Đến khi tội ác xảy ra tại nơi chúng ta cho là an toàn nhất, tất cả đều sợ hãi", nữ bác sĩ ở Kerala nói.
Theo AFP