Thân thế nữ tổng biên tập đầu tiên của VN, tên đặt cho nhiều con đường, Google Doodle từng tôn vinh
Lịch sử báo chí Việt Nam ghi nhận, bà Sương Nguyệt Anh là nữ chủ bút đầu tiên của nước ta. Chức vụ này hiện nay chính là tổng biên tập của một tờ báo. Vậy bà Sương Nguyệt Anh là ai? Thân thế và tài giỏi như thế nào?
Bà Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Khuê, nhưng tên ghi trên bia mộ là Nguyễn Ngọc Khuê, tự là Nguyệt Anh. Bút hiệu của bà Sương Nguyệt Anh (nghĩa là góa phụ Nguyệt Anh) hay Xuân Khuê, Nguyệt Anh, Nguyệt Nga…
Sương Nguyệt Anh là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, mẹ là Lê Thị Điền. Trong gia tộc vẫn hay gọi bà là Năm Hạnh. Có cha là ông đồ nổi tiếng nên ngay từ bé Sương Nguyệt Anh đã được dạy học chữ Hán lẫn Nôm. Bà cùng với chị gái Nguyễn Thị Xuyến nổi danh cả vùng với danh xưng Nhị Kiều vì tài sắc vẹn toàn.
Năm 1888, ông Nguyễn Đình Chiểu qua đời, bà Sương Nguyệt Anh cùng gia đình trải qua biến cố lớn, phải đi nơi khác ở. Con gái đồ Chiểu cùng nhà anh trai chuyển đến Rạch Miễu ở. Tại đây Sương Nguyệt Anh kết hôn với một phó tổng sở tại tên Nguyễn Công Tính và sinh được một bé gái. Không lâu sau chồng bà qua đời, kể từ đó Sương Nguyệt Anh ở vậy nuôi con, thờ chồng, mở trường học dạy chữ Nho. Bút danh Sương Nguyệt Anh cũng ra đời từ đó.
Năm 1918, Sương Nguyệt Anh được viên Tổng lý báo chí Nam Kỳ là Trần Văn Chim mời làm chủ bút tờ “Nữ giới chung” (Tiếng chuông giới phụ nữ). Tờ này thể hiện tư tưởng tiến bộ, đòi quyền bình đẳng nam nữ, đưa ra những tấm gương phụ nữ tiên tiến tại châu Âu, Mỹ. Không chỉ vậy, tờ báo còn đề cao tinh thần quật khởi của phụ nữ Việt Nam từ ngàn xưa như Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân…
Tuy chỉ hoạt động trong 1 năm nhưng tờ “Nữ giới chung” vẫn gây được ấn tượng mạnh trong làng báo chí Việt Nam. Ngay khi tờ báo bị đình bản, con gái duy nhất của Sương Nguyệt Anh cũng qua đời. Cùng thời điểm, mắt Sương Nguyệt Anh kém dần đi, dù tích cực chạy chữa nhưng cuối cùng mù lòa hẳn.
Không nhìn thấy ánh sáng nhưng nữ tổng biên tập đầu tiên của Việt Nam vẫn không bi quan. Bà hành nghề bốc thuốc, dạy học, sáng tác văn thơ. Ngày 9/1/1922, Sương Nguyệt Anh qua đời, thọ 58 tuổi. Mộ bà được đặt ở Mỹ Nhơn, sau này gia đình đã cải táng dời về cạnh mộ phần cha mẹ bà ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Ngày 1/2/2023, Sương Nguyệt Anh được Google Doodle tôn vinh. Trong phần giới thiệt, Google Doodle nhấn mạnh bà là nữ tổng biên tập đầu tiên của tờ báo phụ nữ đầu tiên tại Việt Nam. Bài thơ nổi tiếng nhất của bà là hoa mai nên trong hình vẽ có sự kết hợp với hoa mai.
Hiện tại, bút danh Sương Nguyệt Anh của con gái Nguyễn Đình Chiểu được dùng để đặt tên nhiều con đường, trường học tại Việt Nam. Các thành phố lớn như Đà Lạt, TP.HCM, Vũng Tàu đều có đường Sương Nguyệt Anh.
Thân phận đặc biệt của nữ giáo viên dạy nhiều vua nhất Việt Nam, được chọn đặt tên trường ở TP.HCM
Ở thời kỳ Việt Nam vẫn nặng quan niệm trọng nam khinh nữ, người phụ nữ tài giỏi này lại làm được điều đáng ngưỡng mộ là dạy học cho vua. Không những một mà có đến ba ông vua là học trò của bà.