Những con đường có tên đặc biệt nhất Hà Nội, ý nghĩa sâu xa đa số người Việt Nam cũng không biết
Tên đường phố ở Hà Nội hầu hết đều rất dễ hiểu và nắm bắt. Bởi nó sẽ được đặt theo đặc thù kinh doanh, tên danh nhân lịch sử, anh hùng dân tộc. Thế nhưng, có những con phố rất đặc biệt khi mà được đặt tên cổ, phải luận chữ Hán mới có thể hiểu được.
Đầu tiên có thể kể đến phố Tố Tịch. Nhiều người vẫn đọc nhầm thành Tô Tịch vì nghĩ đến ông Thành hoàng Tô Tịch của thành Thăng Long xưa. Thật ra, chữ “Tịch” ở đây là chữ Hán, mang nghĩa là chiếu. Ví dụ người xưa có “chủ tịch” (quan chức xưa thường trải chiếu ngồi làm việc). Chữ “Tố” có nghĩa là trắng nõn. Tố Tịch luận nghĩa là chiếu trắng, ý chỉ phố này xưa kia là nơi bán chiếu trắng. Hiện ở Hà Nội có con phố mang tên Hàng Chiếu, là nơi cũng có nghề dệt, bán chiếu từ xưa.
Tiếp đến là phố Hòe Nhai. Chữ “Hòe” là cây hòe, còn chữ “Nhai” là bờ, bến, con đường ven sông. Hòe Nhai có nghĩa là con đường trồng hòe bên sông. Xưa kia đường Hòe Nhai nối từ Hoàng thành đến bến Đông Bộ Đầu. Con đường này trồng nhiều hòe vì tương truyền nhà Lý có lệ các quan ở kinh đô phải trồng mỗi người một cây hòe ở đây. Ngày nay, Hòe Nhai nối từ đê Yên Phụ đến phố Phan Đình Phùng, hướng về cửa Bắc thành cổ Hà Nội.
Tương tự thì phố Liễu Giai cũng vậy. “Liễu” là cây liễu”, còn “Giai” là con đường. Liễu Giai là con đường trồng nhiều cây liễu. Tương truyền xưa kia làng này có nhiều cung điện dinh thự của vua chúa, ven đường trồng các dãy cây liễu.
Ngõ Hài Tượng thì sao? “Hài” có nghĩa là giày dép, “Tượng” có nghĩa là thợ chứ không phải voi như nhiều người nghĩ. Hài Tượng có nghĩa là nơi ở của thợ làm giày da, dép da, hàng da nói chung. Phố này trước đây thông với phố Hàng Giầy. Cả hai con phố đều là nơi thợ giày ở làng Chắm (nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) sinh sống.
Khâm Thiên cũng là phố có tên cổ. Xưa kia phố này nằm tại khu vực cửa Nam thành Thăng Long, là tên một làng có cơ quan “Khâm Thiên Giám” (làm chức năng quan sát bầu trời). Khâm Thiên Giám có nhiệm vụ quan sát khí tượng, ghi nhận các hiện tượng vũ trụ, báo mùa vụ cho người dân và ban hành lịch cho triều đình.
Phố Hòa Mã nhiều người nghĩ “Mã” chỉ ngựa. Nhưng “Mã” ở đây là chữ Nôm cổ, mang nghĩa quần áo. Trước kia nơi đây là thôn Đổi Mã (có nghĩa thay đổi áo xống). Nơi này các vua triều Lý, Trần, Lê thường dừng đổi sang lễ phục khi ra tế đàn Nam Giao. Đàn Nam Giao được xác định nằm ở khu vực Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo cũ, gần cửa ô Cầu Dền và giữa các phố như Mai Hắc Đế, Đoàn Trần Nghiệp, Bà Triệu. Vị trí của đàn Nam Giao rất gần khu vực phố Hòa Mã.
Ngoại thành Hà Nội, nằm tại huyện Đông Anh có đường Uy Nỗ dài khoảng 2km. Tiếng Hán giải nghĩa ra tên đường này có nghĩa là uy lực của chiếc nỏ. Nó gắn liền với sự tích nỏ thần của An Dương Vương. Nơi An Dương Vương đóng đô là đất Cổ Loa, không xa làng Uy Nỗ (hay còn gọi là Oai Nỗ).
Danh tính người đã hoạch định tên đường ở Thủ đô với quy luật đặc biệt, đến dân Hà Nội cũng ít biết
Những con phố ở Hà Nội được đặt tên, sắp xếp theo một quy luật nhất định chứ không hề ngẫu nhiên. Có lẽ nhiều người sinh ra, lớn lên ở Thủ đô cũng không nắm được điều này.