Bí mật con đường nổi tiếng nhất Sài Gòn: Được tráng nhựa đầu tiên, từng là bộ mặt của cả thành phố
Sài Gòn có hàng trăm con đường, hàng nghìn con hẻm lớn nhỏ, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ phải kể đến con đường xưa Catinat, nay chính là đường Đồng Khởi, ở Quận 1, trung tâm TP.HCM. Con đường này dài chưa đến 1km, chạy từ nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đến Bến Bạch Đằng.
Nhiều nguồn tư liệu khẳng định Catinat là con đường đầu tiên được Pháp sửa sang khi quy hoạch lại Sài Gòn. Năm 1890, đường này được tráng nhựa và cũng là con đường đầu tiên của thành phố được làm điều đó. Hình ảnh xe ngựa, xe bò đi trên đường nhựa trở nên thật lạ lẫm với người dân thời bấy giờ. Họ gọi đường này là đường Cao Su.
Càng ngày Catinat càng trở nên sầm uất, cửa hàng mọc lên như nấm. Nó là trung tâm sinh hoạt của người dân thành phố Sài Gòn. Nó được người Pháp sử dụng như trung tâm bộ máy thuộc địa. Xung quanh đó lần lượt xuất hiện dinh Thủy sư Đề đốc, Nha Giám đốc Nội vụ, Nhà thờ Notre Dame (nay là Nhà thờ Đức Bà), Sở Bưu chính và Viễn thông (nay là Bưu điện), nhà hát Tây (nay là nhà hát thành phố)… Chính vì thế mà du khách Tây khi đặt chân đến Catinat đều nhận định con đường này là bộ mặt của Sài Gòn hay “cuống rốn” của thành phố này.
Miêu tả về Catinat, ông Nguyễn Liên Phong từng viết trong cuốn “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” rằng:
“Nhứt là đường Ca-ti-na,
Hai bên lầu các, phố nhà phân minh
..Máy may mấy chỗ quá nhiều,
Các tiệm tủ ghế dập dều phô trương
Đồ sành, đồ cẩn, đồ đương
Đồ thêu, đồ chạm trữ thường thiếu chi
..Nhà in, nhà thuộc, nhà chà,
Nhà hàng ăn ngủ với nhà lạc xon (l'auction)”.
Về cái tên Catinat, nó được đặt dựa trên tên một thống chế người Pháp, phục vụ dưới thời vua Louis XIV. Giữa thế kỷ XIX, Pháp lấy tên Catinat đặt cho một chiếc tàu chiến từng tham gia trận đánh Sài Gòn năm 1859 và dựa vào chi tiết này, De La Grandière đặt cho con đường số 16 tên Catinat.
Đến nay, dù không còn giữ tên gọi năm xưa nhưng đường Catinat tức đường Đồng Khởi vẫn giữ nguyên giá trị cốt lõi. Đây là tuyến đường quan trọng bậc nhất Sài Gòn, hầu như du khách nào đến thành phố đều phải ghé qua.
Nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam: Thân thế cực khủng, tài giỏi chấn động, sống thọ hơn trăm tuổi
Ở thời của Henriette Bùi Quang Chiêu, việc một người phụ nữ đi du học, thông thạo 7 ngôn ngữ, làm việc trong ngành y với đàn ông là điều chưa có tiền lệ. Cũng vì vậy mà nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam như một hiện tượng độc nhất vô nhị.