Con đường dễ đi lạc nhất nhì Việt Nam, dân bản địa cũng 'hoa mắt’, shipper ngán ngẩm không muốn đến
Đường phố ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM từ lâu đã nổi tiếng vì độ lòng vòng, cắt ngang xẻ dọc, chẳng khác gì “ma trận”. Với du khách hay người mới đến, việc tìm đường quả thật là thử thách khó nhằn. Bởi dù biết địa chỉ cũng chưa chắc “lần mò” ra.
Ở TP.HCM có một con đường nổi tiếng vì độ khó khi tìm đường. Các bác xe ôm và shipper quả quyết đây chính là “đệ nhất ma trận” ở Sài Gòn. Mỗi lần đến đây là một lần họ “hoa mắt chóng mặt” tìm đường vào, đường ra. Con đường đó chính là đường Chu Văn An ở phường 12, quận Bình Thạnh.
Năm 2015, đường Chu Văn An có hơn 600 hộ dân với gần 70 con hẻm lớn nhỏ khác nhau. Những con hẻm này thông ra nhiều nơi, có thể sang cả quận khác. Điều đáng nói, đường Chu Văn An chỉ có 3 hẻm chính (rộng 2-3m), còn lại toàn là hẻm bé xíu, có khi từ 1m trở xuống.
Ông Phạm Bá Thoại (SN 1957) đã sống ở đây hơn 20 năm. Chia sẻ với báo chí, ông cũng phải thú thật: “Có những con hẻm tạo thành lối rẽ ra các quận khác mà nếu ai đến đây dưới chục lần đều sẽ bị lạc. Tuy nhiên, có một cách để mọi người có thể ra các đường chính, cứ nhìn lên đường dây điện chính mà chạy theo thì không còn sợ bị lạc nữa. Nếu không sẽ lạc vào những ngõ cụt, sẽ thụt lùi trở ra nếu gặp ngay ngõ cụt có chiều ngang tầm 60 tấc”.
Nhà ở đường Chu Văn An sẽ có ít nhất 2 gạch chéo, mỗi gạch tương đương với một con hẻm phải rẽ. Đã vậy, đường này còn có 2 tên: Một là Chu Văn An và hai là tên cũ – Nơ Trang Long.
Lằng nhằng như vậy nên các shipper tiết lộ họ tốn nhiều thời gian hơn hẳn khi giao hàng đến đây. Đa số đều chọn cách dừng ở đường lớn và gọi cho khách hàng ra lấy. Vì sợ nhất là đi lạc vào những hẻm bé xíu, không thể quay đầu xe mà phải đi lùi ra. Kinh nghiệm cho người mới đến đây là nên hỏi kỹ đường đi trước, đừng tin tưởng quá vào địa chỉ được cho.
Đường Chu Văn An đất chật người đông đến mức chỗ quay đầu xe cũng có thể kinh doanh. Một số gia đình tận dụng khoảng sân nhỏ trước nhà đủ để quay đầu xe nên đã thu phí quay đầu. Mỗi lượt xe muốn quay đầu ở đây đều phải trả tiền. Năm 2015 mức giá là 2 nghìn đồng/lượt, hiện tại không biết đã lên đến bao nhiêu?
Những con hẻm bé xíu chẳng những không quay được xe mà còn chỉ đủ một người đi vào. Xe đạp còn phải gửi ngoài chứ đừng nói gì đến xe máy. Các ban công nhà hai bên sát sàn sạt nhau vì tận dụng tối đa không gian. Và dĩ nhiên, câu chuyện “dê đen dê trắng” cũng xảy ra thường xuyê nơi đây. Mỗi lần hai xe ngược chiều gặp nhau trong hẻm nhỏ lại chỉ biết cười xòa rồi tìm cách xử trí.
Với người dân sống ở đây, cảnh chật chội, đường sá lòng vòng đã quá quen thuộc. Điều họ lo ngại nhất là nếu chẳng may xảy ra sự cố như hỏa hoạn, cấp cứu thì sẽ rất vất vả.
Ảnh: Kenh14
Quy luật đặc biệt về tên đường ở TP.HCM người bản địa chưa chắc đã biết, quận nào nhiều đường nhất?
Đường phố ở TP.HCM cũng có quy luật đặc biệt. Nếu nắm được quy luật này, việc tìm đường phần nào cũng đỡ vất vả hơn với người nơi xa đến.