Đời sống

Người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam vinh dự được trao tặng Huân chương Sao Vàng là ai?

Người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam vinh dự được trao tặng Huân chương Sao Vàng là ai?

Trong lịch sử tặng, truy tặng Huân chương Sao Vàng, ai là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam được nhận tấm huân chương cao quý này?

Huân chương Sao Vàng là huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại (7/2024), đã có 88 cá nhân đã được tặng, truy tặng tấm huân chương này. Trong số đó, bà Nguyễn Thị Thập chính là người phụ nữ đầu tiên được trao tặng Huân chương Sao Vàng.

Bà Nguyễn Thị Thập tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt (1908 – 1996), quê ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Bà giác ngộ cách mạng rất sớm, khi chỉ mới 20 tuổi và tham gia hoạt động trong nhiều tổ chức. Trong xuyên suốt quá trình hoạt động, nhà cách mạng này lấy bí danh là Mười Thập.

ba-nguyen-thi-thap-3
Bà Nguyễn Thị Thập (1908-1996). Ảnh tư liệu

Sinh thời, bà Nguyễn Thị Thập đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1946 đến năm 1981 và trở thành Ủy viên Trung ương nhiều năm nhất (35 năm) của Đảng. Là đại biểu Quốc hội Khóa I và Phó Chủ tịch Quốc hội từ năm 1960 đến 1981. Với 21 năm liên tục ở cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội, đồng chí cũng là người phụ nữ duy nhất có thâm niên cao nhất ở vị trí quan trọng đó.

ba-nguyen-thi-thap-1
Bà Nguyễn Thị Thập (thứ 2 từ trái sang) trò chuyện thân mật với các đại biểu tại Đại hội phụ nữ lần thứ IV, tháng 3/1974. Ảnh: phunuvietnam.vn

Đồng chí Nguyễn Thị Thập cũng là Hội trưởng, rồi Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ năm 1955 đến 1974. Với 18 năm liên tục là người đứng đầu tổ chức phụ nữ Việt Nam, đồng chí được công nhận là người giữ kỷ lục về thâm niên thủ lĩnh của phụ nữ Việt Nam. Đồng chí cũng là người phụ nữ duy nhất có 33 năm liên tục là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ năm 1955 đến 1988). Năm 1985, bà Nguyễn Thị Thập được trao tặng Huân chương Sao Vàng. Sau đó là danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. 

ba-nguyen-thi-thap-2
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập (giữa ảnh hàng trên) trò chuyện với phụ nữ các dân tộc tại Đại hội phụ nữ khu Việt Bắc, năm 1974. Ảnh tư liệu

Nói về bà Nguyễn Thị Thập là nói đến hình ảnh tiêu biểu nhất cho phụ nữ Việt Nam trong thời chiến. Thời điểm đang mang thai, bà vẫn ngủ gò, bờ ao, nằm giữa những lăng mộ để tránh sự săn lùng của mật thám địch. Năm 1940, khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, bà Nguyễn Thị Thập nằm trong Ban chỉ huy cánh quân đánh đồn Tam Điệp. Thời điểm đó bà đã sắp sinh, vẫn cố lấy khăn rằn nịt bụng, chỉ huy như thời chưa chồng con.

ba-nguyen-thi-thap-4
Bác Hồ và bà Nguyễn Thị Thập tại Đại hội đại biểu phụ nữ Việt Nam lần thứ III. Ảnh tư liệu

Đáng tiếc, khởi nghĩa thất bại, chồng bà Nguyễn Thị Thập cũng bị giặc bắt và thủ tiêu. Cùng thời điểm, bà Thập phải cải trang về Bến Tre sinh con. Khi đứa bé được 8 ngày tuổi bà nhận tin chồng đã hy sinh, đành gửi con cho bên chồng nuôi dưỡng rồi cải trang lẩn trốn sự truy lùng của địch. Đứa con của bà cũng bị săn đuổi ráo riết nên bên nội đành gửi một nông dân nghèo nuôi giúp. 14 năm sau, khi Hiệp định Geneve được ký kết, mẹ con bà Nguyễn Thị Thập mới được nhận nhau.