Đời sống

Gia đình hiếm ở Việt Nam có 2 anh em cùng làm tướng: Anh là đại tướng kiệt xuất, em tên tuổi lẫy lừng

Gia đình hiếm ở Việt Nam có 2 anh em cùng làm tướng: Anh là đại tướng kiệt xuất, em tên tuổi lẫy lừng

Gia đình này có 8 người con, trong đó 6 người là liệt sĩ, 3 người là sĩ quan quân đội cấp cao. Đặc biệt 2 người trong số họ làm tướng nổi tiếng trong quân đội.

Đến Thôn 1, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, hỏi về khu lưu niệm gia đình Đại tướng Đoàn Khuê, không một ai không biết. Trên khuôn viên rộng khoảng 1.000 m2 là một ngôi nhà lưu niệm được xây trên nền nhà cũ của gia đình vị tướng này. Đây vừa là nơi gắn với tuổi thơ tướng Khuê, cũng là một trong ba nơi tiếp đón, nuôi giấu cán bộ cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Gia đình tướng Đoàn Khuê là một trong những gia đình giàu truyền thống yêu nước. Cha của ông là cụ Đoàn Cầu, người Cộng sản đầu tiên của làng Gia Đẳng, xã Triệu Lăng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (nay là xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Ông được kết nạp Đảng từ rất sớm. Cụ Cầu cùng cụ bà Nguyễn Thị Dương sinh được 9 người con. Trong đó có đến 6 người là liệt sĩ, ngã xuống vì đấu tranh giành độc lập cho đất nước.

gia-dinh-dai-tuong-doan-khue-1
Đại tá Đoàn Thúy thắp hương lên bàn thờ tại Nhà lưu niệm của gia đình Đại tướng Đoàn Khuê ở quê nhà. Ảnh: Báo Quân khu 4

3 người con còn lại của cụ Cầu và cụ Dương đều là sĩ quan cấp cao trong quân đội. Đáng chú ý là 2 vị tướng nổi tiếng: Đại tướng Đoàn Khuê và Trung tướng Đoàn Chương. Họ là gia đình hiếm hoi ở Việt Nam có hai anh em cùng làm tướng trong quân đội.

Nói về gia đình tướng Đoàn Khuê, ông Lê Xuân Lộc – Bí thư Đảng ủy xã Triệu Lăng từng nhận định: “Một gia đình có 9 người con thì có đến 6 liệt sĩ và 3 người là sĩ quan cao cấp trong quân đội; 2 người mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nếu tính cả con dâu, rể, cháu nội, thì gia đình Đại tướng Đoàn Khuê có 15 người tham gia cống hiến, phục vụ trong các lực lượng vũ trang nhân dân. Đây thực sự là gia đình cách mạng mẫu mực, tiêu biểu, hiếm có”.

gia-dinh-dai-tuong-doan-khue-2
Chân dung Đại tướng Đoàn Khuê. Ảnh tư liệu

Đại tướng Đoàn Khuê (1923 – 1999) là vị đại tướng duy nhất đến từ Quảng Trị (tính đến thời điểm hiện tại), từng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1991 – 1997), Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (1987 – 1991). Ông tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi và trải qua sự rèn luyện khắc nghiệt trên chiến trường trước khi được phong hàm đại tướng.

Nói đến tướng Đoàn Khuê là nói đến nhãn quan chiến thuật, tầm nhìn xa trông rộng hơn người. Ông lập rất nhiều chiến công trong hơn 30 năm chinh chiến, là nhân tố vô cùng quan trọng ở chiến trường Tây Nguyên. Nhờ chủ trương sáng suốt của Đại tướng Đoàn Khuê mà quân và dân khu 5 đã có được thắng lợi, góp sức vào giải phóng miền Nam vào tháng 4/1975.

gia-dinh-dai-tuong-doan-khue-3
Đồng chí Đoàn Khuê (giữa), Tư lệnh kiêm Chính ủy Khu 5 làm việc với Ban chỉ huy Tiểu đoàn 2 Gia Lai-Kon Tum ở Đồn 21 dịp Tết Mậu Ngọ 1978. Ảnh tư liệu

Sau này hòa bình lập lại, tướng Khuê lại xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông từng là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, người thúc đẩy thành lập Công ty Điện tử viễn thông Quân đội (nắm 1995), nay là Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel).

gia-dinh-dai-tuong-doan-khue-4
Đại tướng Đoàn Khuê (thứ 3, từ phải qua) thăm bộ đội đảo Cồn Cỏ, ngày 26/1/1995. Ảnh tư liệu

Em trai Đại tướng Đoàn Khuê cũng có sự nghiệp vẻ vang không thua kém công. Người được nói đến là Trung tướng Đoàn Chương (1927 – 2010). Ông là Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự.

Cũng như anh trai, tướng Chương đi lên từ con số 0, không ngừng nỗ lực. Ông tham gia Việt Minh vào năm 1945 tại quê hương, sau đó được tuyển vào Trinh sát viên Công an tỉnh. 1 năm sau người thanh niên Đoàn Chương đã được kết nạp Đảng, phụ trách công tác tuyên huấn, thanh niên, tự vệ chiến đấu tại xã.

gia-dinh-dai-tuong-doan-khue-6
Chân dung Trung tướng Đoàn Chương. Ảnh tư liệu

Liên tiếp những năm sau đó, sự nghiệp của tướng Đoàn Chương có sự thăng tiến rõ rệt, đáng chú ý nhất là gia nhập quân đội cùng đồng chí Nguyễn Chí Thanh vào tháng 7/1950. Tướng Chương từng là Tổ trưởng Chuyên viên quân sự Phái đoàn Việt Nam dân chủ Cộng hòa đàm phán Hiệp định Paris ở Pháp; Trưởng ban Tổng kết, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị, Phó giám đốc Học viện Chính trị.

Trước khi nghỉ hưu vào tháng 4/1999, Trung tướng Đoàn Chương là Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự.

Ngoài Đại tướng Đoàn Khuê và Trung tướng Đoàn chương, người em trai còn lại của họ cũng là gương mặt nổi bật trong hàng ngũ quân đội – Đại tá Đoàn Thúy.