Đời sống

Gia đình hiếm hoi cả cha và con đều làm tư lệnh: Cha tên tuổi lừng lẫy, con là đại tá trẻ nhất toàn quân

Gia đình hiếm hoi cả cha và con đều làm tư lệnh: Cha tên tuổi lừng lẫy, con là đại tá trẻ nhất toàn quân

Trong số các gia đình quân nhân giàu truyền thống ở Việt Nam, đây là gia đình đặc biệt nhất khi có cả cha lẫn con đều làm tư lệnh hải quân.

Gia đình cố Đại tá Lương Mẫn và Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng là trường hợp gia đình quân nhân đặc biệt nhất. Cả hai cha con họ đều làm Tư lệnh vùng Hải quân, có tiếng tăm trong ngành.

Cố Đại tá Lương Mẫn quê ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 17 tuổi ông đã tham gia phong trào cứu quốc và được tín nhiệm làm thư ký cho UBND xã. Đến năm 1948 thì ông tham gia quân đội, đứng trong hàng ngũ Trung đoàn Chủ lực số 9.

gia-dinh-tu-lenh-1
Thiếu tướng Lương Việt Hùng bên di ảnh người cha - đại tá hải quân Lương Mẫn. Ảnh: Đông Hà

Đại tá Lương Mẫn vào quân ngũ với vai trò đầu tiên là một người lính hậu cần. Năm 1964, ông được Bộ Quốc phòng chọn sang hải quân, đưa đi học cán bộ thuyền và đào tạo đặc công. Năm 1968, giấy báo tử ghi tên ông gửi về gia đình. Nhưng thực tế ông vẫn còn sống, thậm chí năm 1969 còn tham gia trận chiến ở Cửa Việt (Quảng Trị) với tư cách là Phó Lữ đoàn trưởng – Tham mưu trưởng Lữ đoàn đặc công 126.

Trong cuộc tấn công giải phóng miền Nam, Đại tá Lương Mẫn làm Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Khi đang làm Tư lệnh Vùng 3 Hải quân thì ông được Bộ Quốc phòng cử làm cố vấn cho Thứ trưởng kiêm Tư lệnh Hải quân Campuchia (1985 – 1989).

gia-dinh-tu-lenh-2
Tư lệnh Vùng 2 hải quân Lương Việt Hùng (bên trái hàng thứ hai từ dưới lên) trong lần tháp tùng Tư lệnh Hải quân thăm Lữ đoàn 171. Ảnh: Mai Thắng

Con trai của Đại tá Lương Mẫn là Chuẩn Đô đốc Lương Việt Hùng (SN 1962). Ông nguyên là Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Việt Nam. Cũng như cha, ông Hùng từng là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 và Tư lệnh vùng 2 – Quân chủng Hải quân Việt Nam.

Ngày ông Hùng học cấp 3, bố ông đã làm Tư lệnh vùng. Thế nhưng chàng trai trẻ lại không thích theo nghiệp bố mà chỉ thích làm công an. Hiểu con trai nóng tính, không phù hợp với ngành công an, Đại tá Lương Mẫn khuyên con thi vào trường chỉ huy kỹ thuật hải quân. Nhưng nào ngờ chàng trai Hùng năm 18 tuổi lại quyết tâm đi học ngành pháo tên lửa (ngành khó và khổ nhất lúc bấy giờ).

gia-dinh-tu-lenh-4
Tư lệnh Vùng 2 hải quân Lương Việt Hùng (thứ hai từ phải) giới thiệu với lãnh đạo Bộ Quốc phòng khi đoàn đến thăm tàu pháo TT400-TP. Ảnh: Thành Nhân

Sau khi tốt nghiệp, Trung úy Hùng xin về Vùng 4 Hải quân vì không muốn về cùng đơn vị với bố (bố ông khi đó là Tư lệnh Vùng 3). Nhưng cấp trên vẫn nhất quyết điều ông về Vùng 3 Hải quân vì muốn hai bố con được bù đắp sau nhiều năm xa cách.

Nhiệm vụ đầu tiên của ông khi về Vùng 3 Hải quân là làm Phó Trưởng ngành hỏa lực tàu săn ngầm 159 – Lữ đoàn 171. Đến tháng 3/1988, ông Hùng với cương vị Thuyền phó tàu đổ bộ 555 kiêm Đội trưởng đội chống đổ bộ, chốt giữ đảo đã có mặt ở Trường Sa 192 ngày khi diễn ra trận hải chiến Trường Sa. Đây có thể xem là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm.

gia-dinh-tu-lenh-3
Huấn luyện pháo tàu- công việc mà Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng một thời kinh qua. Ảnh: Internet

Năm 2002, ông Lương Việt Hùng đã làm Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân, mang hàm đại tá ở tuổi 42. Ông chính là vị đại tá trẻ nhất toàn quân thời kỳ đó.

Sau này Đại tá Hùng được điều về làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Đến năm 2015 thì ông được phong lên làm Chuẩn Đô đốc và 2 năm sau làm Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Việt Nam.