Đời sống

‘Nghĩa trang liệt sĩ’ duy nhất ở Việt Nam không có nấm mồ nào, nằm cạnh dòng sông linh thiêng bậc nhất

Dù là nơi tưởng nhớ đến công ơn của các anh hùng liệt sĩ thời chiến, nhưng nơi đây lại không có một nấm mồ nào. Điều gây chú ý không kém, “nghĩa trang” này còn nằm cạnh con sông linh thiêng nổi tiếng.

Nằm giữa lòng thị xã Quảng Trị, cách Quốc lộ 1A gần 1km về phía Đông Bắc là Di tích Thành cổ Quảng Trị. Đây là địa danh được xem như chứng tích, cũng là để tưởng nhớ đến những người anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập của nước nhà.

thanh-co-quang-tri-1
Hình ảnh Thành cổ Quảng Trị khi nhìn từ trên cao. Ảnh: Internet

Thành cổ Quảng Trị được xây dựng từ thời vua Gia Long, gần 3 thập kỷ sau, đến thời vua Minh Mạng mới hoàn thiện. Nó được đánh giá là kiệt tác quân sự của đất nước ta. Lối kiến trúc đặc biệt ở đây thể hiện ở hệ thống hào nước bao quanh, mỗi góc thành có một pháo đài nhô ra, tạo nên hệ thống phòng thủ vô cùng vững vàng.

Nói đến Thành cổ Quảng Trị là phải nói đến 81 ngày đêm hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ. Đó là nơi rất nhiều anh hùng liệt sĩ của Việt Nam đã ngã xuống, trả giá bằng máu và tính mạng để đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc. Một quá khứ hào hùng đã đi qua, nhưng giá trị, sự hào hùng thì vẫn luôn hiện hữu, nhắc nhở các thế hệ người Việt Nam phải ghi lòng tạc dạ.

thanh-co-quang-tri-2
Thành cổ Quảng Trị 1967. Ảnh: Internet

Năm 1972, từ ngày 28/6 đến ngày 16/9, một mùa hè đỏ lửa đã diễn ra ở Thành cổ Quảng Trị. Thống kê cho thấy hơn 328.000 tấn bom đạn, riêng ngày 25/7/1972 là hơn 5.000 phát đại bác đã bị trút liên tục xuống vùng đất này. Để dễ hình dung hơn, con số đó tương đương với 7 quả bom nguyên tử từng tàn phá Nhật Bản vào năm 1945.

thanh-co-quang-tri-7
Các chiến sỹ giải phóng dũng cảm đánh phá đồn địch trên điểm cao 365 (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Tư liệu TTXVN
thanh-co-quang-tri-8
Các chiến sỹ giải phóng dũng cảm giữ từng tấc đất của Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu TTXVN

“Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử. Trong 81 ngày đêm, từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót”, báo Quân Đội Nhân Dân số ngày 9/8/1972 từng viết.

thanh-co-quang-tri-6
Hình ảnh trong phim "Mùi cỏ cháy" về trận chiến 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Nhà sản xuất

Khốc liệt là vậy nhưng các chiến sĩ của ta vẫn anh dũng chiến đấu, bám lấy thành cổ, bảo vệ bằng được từng tấc đất của đất nước. Không biết bao nhiêu người đã nằm lại nơi đây vĩnh viễn. Thế nên ngày nay dù ở đây không có nấm mồ nào vẫn được xem như một nghĩa trang liệt sĩ.

thanh-co-quang-tri-4
ài tưởng niệm – ngôi mồ chung của các chiến sĩ. Ảnh: Internet

Ngày nay Thành cổ Quảng Trị là địa điểm tham quan nổi tiếng khi đến Quảng Trị. Tuy nhiên, bên trong công trình này gần như đã bị san phẳng, chỉ còn lại hệ thống tường thành, nơi vẫn in hằn dấu tích của chiến tranh. Bên cạnh Thành cổ vẫn là con sông Thạch Hãn linh thiêng, nơi hơn 4.000 anh hùng liệt sĩ yên nghỉ.

thanh-co-quang-tri-3
Góc thành cổ phía Nam với Tiền môn (cửa chính phía Nam) được phục dựng theo kiến trúc cũ. Ảnh: Internet

Ngày 9/12/2013, Thành cổ Quảng Trị được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Nơi đây giờ đã mang diện mạo sáng sủa hơn nhờ cây cối xanh tươi, khuôn viên được xây mới, nhưng giá trị lịch sử, văn hóa mà nó để lại thì vẫn vậy. Đây sẽ luôn là địa điểm giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng tốt nhất cho các thế hệ trẻ của Việt Nam.

thanh-co-quang-tri-5
Nhiều công trình tri ân bên trong khuôn viên thành cổ đã được xây dựng. Ảnh: Internet

Vừa qua, Điện ảnh Quân đội nhân dân vừa chuyển thể tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Chu Lai thành dự án phim “Mưa đỏ”, dự kiến ra rạp vào năm 2025 nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập nước (1945-2025).