Đời sống

Nữ tổng biên tập đầu tiên của Việt Nam: Con gái cụ Nguyễn Đình Chiểu, tên được đặt cho nhiều con đường

Nữ tổng biên tập đầu tiên của Việt Nam: Con gái cụ Nguyễn Đình Chiểu, tên được đặt cho nhiều con đường

Sinh thời, người phụ nữ này là chủ bút tờ Báo Nữ Giới Chung (Tiếng chuông của nữ giới), tờ báo đầu tiên chuyên về phụ nữ. Bà chính là nữ nhà báo đầu tiên của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Khuê, bút danh Sương Nguyệt Anh (1864 – 1922), quê ở xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre là nữ nhà báo đầu tiên của nền Báo chí Quốc ngữ Việt Nam. Bà là con gái thứ tư của nhà thơ, nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Sinh thời, người phụ nữ này còn được biết đến với các bút danh nổi tiếng khác như Xuân Khuê, Nguyệt Anh, Nguyệt Nga…

suong-nguyet-anh-1

Là con gái của một thầy đồ nổi tiếng nên từ nhỏ Sương Nguyệt Anh đã được tiếp xúc sớm với chữ Hán lẫn chữ Nôm. Bà cùng chị gái Nguyễn Thị Xuyến lớn lên nổi tiếng tài sắc vẹn toàn, mọi người ca tụng là Nhị Kiều.

Năm Sương Nguyệt Anh 24 tuổi thì cha đột ngột qua đời. Được Tri phủ Ba Tường hỏi cưới nhưng kiên quyết từ chối. Thấy vậy, tri phủ này lại tìm cách hãm hại Sương Nguyệt Anh. Để lánh nạn, bà cùng gia đình anh trai Nguyễn Đình Chúc chuyển đến Cái Nứa, Mỹ Tho rồi về Rạch Miễu ở nhờ nhà ông nghè Trương Văn Mân. Tại đây, Sương Nguyệt Anh cưới phó tổng sở tại Nguyễn Công Tính. Sau này chồng qua đời, bà ở vậy nuôi con, thờ chồng, đồng thời mở trường dạy học chữ Nho và bắt đầu lấy bút danh Sương Nguyệt Anh thay cho tên thật.

suong-nguyet-anh-3

Tài đức nổi tiếng, năm 1918 Sương Nguyệt Anh được viên Tổng lý báo chí Nam Kỳ là Trần Văn Chim mời làm chủ bút tờ “Nữ giới chung” (Tiếng chuông giới phụ nữ). Đây là tờ báo tiến bộ, đòi quyền bình đẳng nam nữ, đề cao tinh thần quật khởi của phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay.

suong-nguyet-anh-2

Tờ “Nữ giới chung” chỉ hoạt động hơn 5 tháng nhưng để lại tiếng vang lớn trong làng báo. Bà Sương Nguyệt Anh cũng chính là nữ nhà báo đầu tiên của nền Báo chí Quốc ngữ Việt Nam. Sự ra đời và tồn tại của “Nữ giới chung” là sự kiện quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam, cũng như đối với công chúng trong xã hội Việt Nam vào thập niên 20-30 của thế kỷ trước.

Sau khi tờ báo Sương Nguyệt Anh làm chủ bút bị đình bản, con gái của bà cũng qua đời. Biến cố ập đến liên tục, đúng thời điểm đó nữ nhà báo gặp vấn đề về mắt rồi mù lòa hẳn. Dù sống trong bóng tối nhưng bà vẫn luôn suy nghĩ tích cực, không cho phép bản thân sống buông thả. Sương Nguyệt Anh bấy giờ mù lòa vẫn bốc thuốc, dạy học, sáng tác văn thơ.

suong-nguyet-anh-4

Năm 1922, bà Sương Nguyệt Anh qua đời ở tuổi 58, an nghỉ tại Mỹ Nhơn, về sau được cải táng về cạnh mộ phần cha mẹ tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Ngày 1/2/2023, Sương Nguyệt Anh được Google Doodle tôn vinh. Trong phần giới thiệt, Google Doodle nhấn mạnh bà là nữ tổng biên tập đầu tiên của tờ báo phụ nữ đầu tiên tại Việt Nam. Bài thơ nổi tiếng nhất của bà là hoa mai nên trong hình vẽ có sự kết hợp với hoa mai.

suong-nguyet-anh-6

suong-nguyet-anh-7

suong-nguyet-anh-8

Hiện tại, bút danh Sương Nguyệt Anh của con gái Nguyễn Đình Chiểu được dùng để đặt tên nhiều con đường, trường học tại Việt Nam. Các thành phố lớn như Đà Lạt, TP.HCM, Vũng Tàu đều có đường Sương Nguyệt Anh.