Đời sống

Lộ điểm bất thường ở bằng tiến sĩ của ông Thích Chân Quang, giáo sư hướng dẫn nhận xét như thế nào?

Lộ điểm bất thường ở bằng tiến sĩ của ông Thích Chân Quang, giáo sư hướng dẫn nhận xét như thế nào?

Chia sẻ của các chuyên gia và vị giáo sư hướng dẫn ông Thích Chân Quang làm luận án tiến sĩ có phần trái ngược nhau.

Chuyên gia nói gì?

Liên quan đến tranh cãi về tấm bằng tiến sĩ của Thượng tọa Thích Chân Quang, chia sẻ với báo chí, PGS Nguyễn Tiến Trung, giảng viên một trường đại học ở TP.HCM cho biết, việc các cử nhân chính quy loại giỏi học thẳng lên tiến sĩ không hề hiếm và đã được Bộ GD&ĐT cho phép. Thế nhưng một cử nhân hệ vừa học vừa làm (hệ tại chức) lại học thẳng lên tiến sĩ thì hiếm gặp. Điều này dễ hiểu bởi người vừa học vừa làm hầu hết đều đã lớn tuổi, chỉ có nhu cầu lấy bằng đại học để đáp ứng chuẩn yêu cầu nghề nghiệp, không theo hướng nghiên cứu học thuật.

thich-chan-quang-3
Thượng tọa Thích Chân Quang trong lễ nhận bằng tốt nghiệp tại Trường ĐH Luật Hà Nội. Ảnh: PHẬT GIÁO VIỆT NAM

PGS Nguyễn Tiến Trung chia sẻ thêm, theo quy chế đào tạo chung của Bộ GD&ĐT, thời gian để hoàn thành bậc tiến sĩ tiêu chuẩn là 3 – 4 năm. Phải là nghiên cứu sinh đặc biệt xuất sắc, được hiệu trưởng trường đại học phê duyệt mới có thể rút ngắn thời gian hoàn thành xuống tối đa 36 tháng (3 năm).

Nhưng với trường hợp ông Thích Chân Quang thì chỉ cần 25 tháng (hơn 2 năm) nếu mới làm bùng lên những nghi ngờ và tranh cãi.

Đầu tiên, thời gian đào tạo và bảo vệ luận án tiến sĩ của ông Thích Chân Quang ngắn hơn rất nhiều so với quy định. Cần xem lại quy chế của trường Đại học Luật Hà Nội trong đào tạo tiến sĩ và quy trình thẩm định kết quả học tập của nhà trường.

thich-chan-quang-4
Thượng tọa Thích Chân Quang tại lễ bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường đại học Luật Hà Nội. Ảnh: HLU

Thứ hai, một cử nhân loại giỏi học thẳng lên tiến sĩ cần học bổ sung từ 4 – 8 môn (trung bình mỗi môn 2 – 3 tín chỉ). Các nghiên cứu sinh cần gần 1 năm mới hoàn thành được số tín chỉ bổ sung theo quy định. Sau đó họ phải tự làm việc, học tập, bổ sung đầy đủ các kiến thức ở bậc tiến sĩ. Quãng thời gian đó sẽ mất khoảng 2 năm nữa. Như vậy, để hoàn thành thời gian đào tạo tiến sĩ cần ít nhất 3 năm, trước khi bước vào giai đoạn nghiên cứu, thực hiện khảo sát, viết luận án.

Thế nên đứng trước trường hợp của ông Thích Chân Quang, PGS Nguyễn Tiến Trung cũng thấy khó hiểu: “Tôi chưa từng gặp nghiên cứu sinh nào học thẳng từ cử nhân lên mà hoàn thành chương trình tiến sĩ trong 2 năm. Trừ trường hợp nhà trường dồn toàn lực cho nghiên cứu sinh, dạy ngày dạy đêm, thậm chí tổ chức dạy cả cuối tuần mới chạy đủ các nội dung kiến thức bổ sung. Người học cũng phải 'siêu nhân lắm' mới có thể tiếp thu và hoàn thành được chương trình với thời gian siêu ngắn”.

thich-chan-quang-1
Ông Thích Chân Quang (giữa) nhận bằng tiến sĩ trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh tư liệu

Tương tự, một nữ giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân rất ngạc nhiên trước trường hợp bằng tiến sĩ của Thượng tọa Thích Chân Quang. Người này cho biết “thông thường ai nhanh nhất cũng phải hơn 4 năm, người nào 3 năm đã quá giỏi”.

Bản thân nữ giảng viên sau khi tốt nghiệp đại học loại xuất sắc cũng mất 5 năm mới bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ. Cô đánh giá việc hoàn thành chương trình học tiến sĩ trong 2 năm là điều không khả thi, cần xem xét lại chất lượng luận án của ông Thích Chân Quang.

Người hướng dẫn nói gì?

Thế nhưng, nguyên Phó trưởng khoa Pháp luật hành chính – Nhà nước, GS Nguyễn Minh Đoan, người được trường Đại học Luật Hà Nội giao nhiệm vụ hướng dẫn ông Thích Chân Quang làm luận án tiến sĩ lại có chia sẻ khác

Giáo sư Đoan cho biết, toàn bộ ý tưởng nghiên cứu, nội dung đều do ông Thích Chân Quang đề xuất và thực hiện. Vị giáo sư này chỉ là người hướng dẫn đưa các ý tưởng vào khuôn mẫu luận án theo yêu cầu của trường Đại học Luật Hà Nội và Bộ GD&ĐT mà thôi.

thich-chan-quang-2
GS Nguyễn Minh Đoan (trái) và ông Thích Chân Quang trong buổi bảo vệ luận án tiến sĩ. Ảnh: HLU

Đánh giá về nội dung nghiên cứu, ông Đoan cho rằng nó rất đột phá. Thậm chí, vị giáo sư còn tán thưởng đối phương: “Tôi từng hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh nhưng đây là trường hợp đặc biệt”.

Về tốc độ luận án của ông Thích Chân Quang, giáo sư Đoan đánh giá nó được thực hiện rất nhanh. Theo ông, nghiên cứu sinh Thích Chân Quang là người có năng lực, đam mê nghiên cứu khoa học chứ không phải làm vì nghĩa vụ, làm cho có. Trong quá trình học tập, nghiên cứu luận án tiến sĩ, ông Thích Chân Quang hoàn thành đầy đủ các yêu cầu với một nghiên cứu sinh.

Ông Thích Chân Quang nhận bằng tiến sĩ sau 2 năm nhận bằng cử nhân, ĐH Luật Hà Nội nói đủ điều kiện