Khám phá mới

Nhà văn Việt Nam được người Trung Quốc khen nức nở, có kiệt tác được đưa vào giảng dạy tại Mỹ

Sự nghiệp văn chương của nhà văn này phát triển rực rỡ, có nhiều tác phẩm được xuất bản ở nước ngoài. Đặc biệt, ông có một kiệt tác nhận được sự công nhận của bạn đọc thế giới, cả Mỹ và Trung Quốc đều yêu thích.

Khoảng đầu thế kỷ 20, làng văn học Việt Nam hễ nhắc đến cái tên Vũ Trọng Phụng là không ai không nể. Ông là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng, người sở hữu nhiều tác phẩm để đời. Sinh thời, người đời phong cho ông là “vua phóng sự đất Bắc” vì những tác phẩm văn học hiện thực phê phán miêu tả quá chân thực xã hội lúc bấy giờ.

Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939), là một nhà văn, nhà báo sinh sống ở Hà Nội từ nhỏ. Ông xuất thân trong một gia đình bình thường, sớm phải đi làm kiếm sống khi vừa học hết tiểu học. Sau này, trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng không có kết quả, Vũ Trọng Phụng quyết định chuyển sang viết văn, làm báo.

vu-trong-phung-1

Năm 18 tuổi, Vũ Trọng Phụng viết truyện ngắn đầu tay: “Chống nạng lên đường”, đăng trên tờ Ngọ Báo. Sau đó có thêm một số tác phẩm nhưng không được bạn đọc đón nhận.

Năm 1931, Vũ Trọng Phụng cho ra mắt “Không một tiếng vang” và bắt đầu được chú ý. Chỉ 4 năm sau, cuốn tiểu thuyết đầu tay “Dứt tình” đã có mặt trên tờ Hải Phòng tuần báo.

Xuyên suốt cuộc đời văn chương, ông dùng ngòi bút để lên án gay gắt xã hội đương thời, để lại 30 truyện ngắn, 9 tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch cùng 1 bản dịch từ tiếng Pháp và nhiều bài phê bình, tranh luận văn học,…

vu-trong-phung-3

Nói đến Vũ Trọng Phụng phải nói đến “Số đỏ”. Đây là tiểu thuyết văn học nổi tiếng nhất của “ông vua phóng sự đất bắc”. Từ khi được đăng lần đầu trên Hà Nội Báo đến nay, “Số đỏ” luôn có chỗ đứng vững vàng trong lòng độc giả Việt Nam bất kể là ở thời đại nào.

“Số đỏ” thậm chí còn được xuất bản ở nhiều nước như Đức, Mỹ, Trung Quốc. Cho đến hiện tại, đây là một trong những tác phẩm văn học Việt Nam có nhiều bản dịch tiếng nước ngoài nhất. Cuốn tiểu thuyết này được liệt vào danh sách kinh điển của văn học Việt Nam, xuất hiện trong chương trình học trong nước, thậm chí còn được giảng dạy tại nhiều trường đại học ở Mỹ.

Không chỉ người Mỹ, người Trung Quốc cũng rất yêu thích “Số đỏ”. Năm 2021, bản dịch tiếng Trung của tiểu thuyết này được độc giả nước bạn đón nhận rất nhiệt tình, cho điểm 8.0/10 và hàng loạt nhận xét tích cực. Sau khi đọc “Số đỏ”, nhiều bạn đọc Trung Quốc thốt lên đây chính là kiệt tác, công nhận Vũ Trọng Phụng chính là “Balzac của Việt Nam”. (Honoré de Balzac là nhà văn hiện thực Pháp lớn nhất nửa đầu thế kỷ 19, bậc thầy của tiểu thuyết văn học hiện thực).

vu-trong-phung-2

Đáng tiếc, Vũ Trọng Phụng qua đời quá sớm. Năm 1939, ông ra đi vì bệnh lao phổi khi chỉ mới 27 tuổi, để lại bà nội, mẹ già và vợ con. Cuộc đời ông từ khi sinh ra đến lúc mất đi trải qua nhiều lần long đong, lận đận, khổ cực có mà đổi đời cũng có.

Ngày nay, tên của Vũ Trọng Phụng được chọn đặt tên cho nhiều con đường trên cả nước như ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Kiên Giang, Đồng Hới…