Khám phá mới

Thân thế thượng úy 25 tuổi làm thầy của 6 danh tướng hàng đầu quân đội, 3 lần được gặp Bác Hồ

Thân thế thượng úy 25 tuổi làm thầy của 6 danh tướng hàng đầu quân đội, 3 lần được gặp Bác Hồ

Ở Việt Nam, chỉ có người đàn ông này có vinh hạnh được làm thầy của 6 vị tướng nổi tiếng trong quân đội. Ngoài ra, ông còn từng 3 lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chuyện một thượng úy 25 tuổi làm thầy của 6 vị tướng nổi tiếng nghe qua thật khó tin, nhưng hoàn toàn là sự thật. Người thầy giáo đặc biệt đó tên là Doãn Mậu Hòe (1934 – 2023), nguyên Hiệu trưởng Trường Văn hóa Quân khu V, Hiệu phó trường Quân sự Quân khu V.

dai-ta-doan-mau-hoe-1

Năm 1949, chàng trai Doãn Mậu Hòe tốt nghiệp lớp 12 xong đã thi đỗ vào Trường Sơ cấp Sư phạm ở Quế Sơn. Đúng ngày khai giảng, ông nhận được lệnh nhập ngũ. Qua thời gian rèn luyện ở trường võ bị Trần Quốc Tuấn – Liên khu V, ông được chỉ định về chiến đấu ở Đại đội 216, Tiểu đoàn 50, Trung đoàn 108.

Năm 1954, Doãn Mậu Hòe theo Trung đoàn 108 tập kết ra Bắc, giữ chức Chính trị viên Tiểu đoàn. Tại đơn vị, ông thường dạy kèm Văn, Toán, Tiếng Pháp cho các chiến sĩ. Tiếng lành đồn xa, thấy đồng chí Hòe có trình độ, Tổng cục Chính trị đã cử ông đi học lớp bồi dưỡng giáo viên trợ lý văn hóa. Không phụ lòng lãnh đạo, đồng đội, ông Hòe tốt nghiệp khóa này với tấm bằng giỏi và về dạy bổ túc văn hóa cho các cán bộ Tổng cục Chính trị, Hậu cần, Tham mưu…

dai-ta-doan-mau-hoe-5

Đặc biệt hơn, trong số gần 40 giáo viên, ông thượng úy Doãn Mậu Hòe khi đó chỉ mới 25 tuổi đã được chọn để dạy văn hóa cho 6 vị tướng quân đội gồm: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Song Hào, Trung tướng Lê Quang Đạo,Trung tướng Phạm Ngọc Mậu và Thiếu tướng Phạm Kiệt.

“Người thầy trẻ” này không giấu nổi hồi hộp khi dạy học cho chính thủ trưởng của mình. Ông kể, buổi học đầu tiên diễn ra ở nhà riêng Thiếu tướng Phạm Kiệt tại 116 Lý Nam Đế, Hà Nội. Nhìn thấy 6 vị tướng xuất hiện, thầy Hòe lúng túng nói: “Mời 6 thủ trưởng mở sách vở chép bài, chúng ta bắt đầu buổi học”. Cả 6 vị tướng bật cười. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh liền nói: “Theo tôi, khi vào lớp học, giáo viên gọi chúng tôi là anh. Còn chúng tôi gọi giáo viên là thầy. Khi ra thao trường thì trở lại là thủ trưởng và đồng chí”.

dai-ta-doan-mau-hoe-2

Sau này trong lớp học, các tướng gọi ông Hòe là “thầy”, còn ông gọi 6 người họ là “các anh”. Trong số các học trò, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được thầy Hòe đánh giá là người thông minh, làm việc khoa học nhất. Ông am hiểu nhiều kiến thức khoa học xã hội, giỏi tiếng Pháp. Nhiều lần thầy Hòe được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mời đi cùng trong các chuyến công tác, lý do là để “rảnh lúc nào học lúc đấy”.

Trong khi đó, Trung tướng Lê Quang Đạo gây ấn tượng nhờ tài chế tạo mô hình mạch điện. Tướng Phạm Kiệt mà quân Pháp sợ vỡ mật lại từng ôm thầy Hòe khóc trong vui mừng vì “trả bài trôi chảy”. Thầy Hòe vô cùng ấn tượng với người học trò đặc biệt này. Tuy bị địch bắt giam, tù đày nhiều lần khiến trí nhớ giảm sút nhưng ông vô cùng hiếu học.

dai-ta-doan-mau-hoe-4

Năm 1965, khóa học có một không hai này kết thúc, thầy Hòe và 6 người học trò cũng chia tay nhau. Ông Hòe được điều động về dạy ở Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi và trùng hợp thay, ông lại là thầy của 2 con trai tướng Hoàng Văn Thái.

Sau này, những ngày quan trọng, đặc biệt là ngày Nhà giáo Việt Nam hàng năm, cả 6 học trò cũ đều sẽ gặp mặt, tổ chức bữa cơm thân mật để tri ân người thầy năm nào. Đến khi chiến tranh dừng lại, thầy Hòe về công tác ở trường Quân sự Quân khu V.

dai-ta-doan-mau-hoe-3

Không chỉ là thầy của 6 vị tướng quân đội nổi tiếng, thầy Hòe còn từng có vinh dự 3 lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian ông học tập, công tác tại Hà Nội. Lần đầu tiên là khi Bác đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1958). Lần thứ hai là khi Bác đến nói chuyện với các cán bộ trung, cao cấp ở Tổng cục Chính trị (1962). Lần thứ ba là vào một đêm Bác bất ngờ đến thăm một đơn vị văn công gần khu Cầu Giấy (1964).