Thế giới

Ukraine nhận tin xấu từ Mỹ, Lầu Năm Góc đột ngột làm điều chưa từng có

Lần đầu tiên, một người đứng đầu Lầu Năm Góc sẽ không tham dự cuộc họp của các quốc gia điều phối hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine (UDCG), hay còn gọi là nhóm Ramstein dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp lần thứ 27 tại Brussels vào ngày 11/4. Được thành lập bởi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, nhóm liên minh này gồm 50 quốc gia này đã cung cấp tổng cộng hơn 126 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả máy bay chiến đấu F-16 và lượng lớn đạn pháo cỡ 155mm.

Nhưng một quan chức Mỹ giấu tên cho biết với truyền thông rằng Bộ trưởng Quốc phòng hiện tại, ông Pete Hegseth, sẽ không tham dự cuộc họp, dù là trực tiếp hay trực tuyến. Vị quan chức này còn cho biết thêm rằng Lầu Năm Góc nhiều khả năng cũng sẽ không cử đại diện cấp cao nào đi cùng trong dịp này, điều vốn thường thấy trong các chuyến công tác tương tự.

Nguồn tin này cho biết thêm, chính quyền Mỹ hiện vẫn đang cân nhắc cách thức để các quan chức tham gia vào những diễn đàn liên quan đến Ukraine, bao gồm việc giám sát cung cấp vũ khí và tổ chức huấn luyện quân sự.

ukraine-3
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth. Ảnh: REUTERS

Trước thông tin về khả năng vắng mặt của ông Hegseth, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, đã đăng tải trên Telegram một bình luận mang tính châm biếm: "Phi hành đoàn chào tạm biệt và chúc bạn có một chuyến bay vui vẻ".

Ông Hegseth từng tham dự phiên họp nhóm Ramstein hồi tháng 2, tuy nhiên không đảm nhận vai trò chủ trì như người tiền nhiệm Lloyd Austin.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Austin chỉ vắng mặt một lần duy nhất tại cuộc họp trực tiếp hồi đầu năm 2024 vì lý do sức khỏe. Dù vậy lần đó ông vẫn tham gia qua hình thức trực tuyến, trong khi một quan chức cấp cao khác đại diện Mỹ chủ trì. Mỹ với vai trò tổ chức thường xuyên tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức, đã trở thành lực lượng trung tâm trong cấu trúc của nhóm này.

ukraine-4
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (phải) và ông Pete Hegseth. Ảnh: New York Times

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, chính sách của Mỹ đối với Ukraine đã có sự thay đổi rõ rệt. Ông Trump từng kêu gọi Kiev hoàn trả những khoản viện trợ mà Washington đã chuyển giao trước đó.

Chính quyền của ông Trump cũng phát tín hiệu về một định hướng chính sách mới, trong đó kêu gọi các đồng minh châu Âu đóng vai trò chủ chốt hơn trong việc hỗ trợ Ukraine, cũng như tăng chi tiêu quốc phòng của chính họ.

Tại cuộc họp ở Brussels vào tháng 2, ông Hegseth từng tuyên bố rằng các quốc gia châu Âu nên chịu trách nhiệm lớn hơn về năng lực quân sự của mình, thay vì phụ thuộc vào Mỹ. Ông cũng khẳng định quan điểm loại trừ khả năng Ukraine gia nhập NATO. Lập trường này từng được Tổng thống Donald Trump công khai ủng hộ.