Doanh nghiệp Việt Nam sốc nặng với mức thuế 46% của ông Trump, 2 ngành nghề lập tức họp khẩn
Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế đối ứng mới, thế giới thổi lên những luồng tranh cãi. Việc Việt Nam chịu thuế 46% khiến không ít doanh nghiệp trong nước bất ngờ.
Vào rạng sáng ngày 3/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố danh sách các quốc gia bị áp thuế đối ứng. Trong đó, Việt Nam thuộc nhóm nước bị đánh thuế cao nhất, lên tới 46%. Thông tin này nhanh chóng gây sốc cho nhiều doanh nghiệp.
Loạt ngành nghề ở Việt Nam như đồ gỗ, dệt may, linh kiện điện tử, thủy sản được cho là sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ mức thuế đối ứng này. Trong đó, doanh nghiệp trong hai ngành nổi bật là đồ gỗ nội thất và dệt may đã phỉa tổ chức họp khẩn.

Trao đổi với báo Thanh Niên, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM bày tỏ sự bất ngờ trước quyết định này, cho rằng mức thuế vượt xa dự đoán của doanh nghiệp cũng như các chuyên gia.
Ông nhấn mạnh rằng Mỹ hiện là thị trường tiêu thụ lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam, chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu, vì vậy mức thuế cao sẽ tác động đáng kể đến đơn hàng.
Ông Hồng nói thêm: “Sáng nay, hiệp hội sẽ có cuộc họp với các doanh nghiệp thành viên và sẽ cùng thảo luận, đánh giá tình hình thị trường cũng như chia sẻ các giải pháp. Mỹ hiện là thị trường tiêu thụ lớn nhất, chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam nên việc áp thuế quá cao sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao thị trường và tìm hiểu từ phía đối tác xem diễn biến sắp tới để có các giải pháp thích ứng linh hoạt”.
Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam khiến các doanh nghiệp bị sốc. ẢNH: NGỌC THẮNG
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean, cho biết doanh nghiệp ông đã tính toán kịch bản mức thuế tổng hợp khoảng 25% nhưng nay con số thực tế vượt xa dự đoán. Đặc biệt, ngoài thuế chung 10% có hiệu lực từ ngày 5/4, mức thuế đối ứng sẽ áp dụng từ ngày 9/4, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn nghiêm trọng. Theo ông Việt, các mặt hàng dệt may của công ty đã chịu thuế nhập khẩu khoảng 12-16%, và khi cộng thêm mức thuế mới, tổng thuế có thể lên đến 58%.
“Lúc này, chúng tôi chưa biết nói gì hơn, nhưng kỳ vọng sẽ có cuộc đàm phán tiếp giữa các nhà lãnh đạo cao cấp hai nước…”, Chủ tịch Việt Thắng Jean nói.

Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tại TP.HCM cũng bày tỏ lo ngại, cho biết các đối tác Mỹ chưa nắm rõ tình hình nhưng mức thuế 46% là một con số "quá khủng khiếp". Họ đang làm việc với các hãng tàu và đối tác để tìm giải pháp.
Ông Ngô Chơn Trí, Giám đốc vận hành nhà xuất khẩu đồ gỗ nội thất Yes4All chia sẻ với Tuổi Trẻ Online rằng ngay từ khi nhận được tin, nhiều nhân sự của công ty đã trao đổi về vấn đề thuế, sáng 3/4 họ quyết định họp khẩn.
“Chúng tôi mới nhận được tin của một khách hàng Mỹ mới nói rằng 10% áp dụng cho tất cả các ngành nghề, còn mức 46% chỉ áp dụng cho nông sản và máy móc. Chúng tôi sẽ kiểm tra với nhiều đầu mối, kể cả hãng tàu để kiểm chứng lại thông tin này”, ông Trí nói.
TS Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu MASSEI nhận định mức thuế áp lên hàng Việt Nam cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu. Hiện các doanh nghiệp đang chờ đợi phản ứng của chính phủ và các cuộc đàm phán nhằm giảm thiểu tác động.