Nhiều quốc gia phản đối chính sách thuế đối ứng mới của ông Trump, Việt Nam từng lên tiếng thế nào?
Thế giới đang có một phen xôn xao vì danh sách thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố. Trong đó, hàng hóa của Việt Nam nằm trong nhóm thuế cao nhất với 46%.
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố quyết định áp thuế nhập khẩu 10% đối với tất cả hàng hóa và mức cao hơn cho một số đối tác thương mại. Cụ thể, Anh, Brazil, Singapore chịu thuế 10%, trong khi EU, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ phải đối mặt với mức 20-26%. Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm chịu thuế cao, lần lượt là 34% và 46%. Nhưng cái tên nhận mức thuế cao nhất vẫn là Campuchia với 49%.

Nói về vấn đề này, Thủ tướng Australia Anthony Albanese chỉ trích quyết định của chính quyền ông Trump là "vô lý" nhưng khẳng định không đáp trả. Ông lập luận rằng nếu áp dụng nguyên tắc thuế đối ứng, mức thuế hợp lý phải là 0%, thay vì 10%. Dù Mỹ và Australia có hiệp định thương mại tự do và Mỹ xuất siêu sang Australia, ông Albanese cho rằng chính sách thuế mới không dựa trên bất kỳ logic nào và đi ngược tinh thần hợp tác.
New Zealand cũng phản đối mức thuế 20% mà Mỹ cáo buộc họ áp dụng với hàng hóa Mỹ. Bộ trưởng Thương mại Todd McClay khẳng định hệ thống thuế của New Zealand rất thấp, dưới 10%, và yêu cầu làm rõ vấn đề.

Tổng thống Chile Gabriel Boric cảnh báo chính sách thuế quan có thể gây bất ổn và vi phạm các nguyên tắc thương mại quốc tế. Trong khi đó, Anh tìm cách đạt thỏa thuận giảm tác động từ mức thuế mới, nhấn mạnh Mỹ vẫn là đồng minh quan trọng.
Tại châu Âu, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni phản đối mức thuế 20% với EU, coi đây là quyết định sai lầm, có nguy cơ làm suy yếu phương Tây và tạo lợi thế cho các đối thủ khác. Chủ tịch ECB Christine Lagarde kêu gọi EU đẩy nhanh cải cách kinh tế để thích nghi với môi trường thương mại thay đổi.
Mexico và Canada tạm thời được miễn trừ thuế đối ứng, miễn là tuân thủ thỏa thuận thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, thuế 25% với ôtô nhập khẩu vẫn giữ nguyên. Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum tuyên bố sẽ theo dõi tác động trước khi phản ứng, còn Canada từng áp thuế trả đũa khi ông Trump đưa ra mức thuế 25% trước đó.
Chuyên gia Matteo Villa nhận định nếu Trump thực sự siết thuế, châu Âu sẽ phải đáp trả, nhưng việc này có thể khiến họ chịu thiệt hại nhiều hơn do phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ.

Về phần Việt Nam, báo Dân Việt cho biết, trước đây, ngày 20/3/2025, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – bà Phạm Thu Hằng thông tin, Việt Nam sẵn sàng trao đổi, làm việc trên tinh thần xây dựng và hợp với Mỹ để chia sẻ thông tin, tăng cường hiểu biết, tháo gỡ các vướng mắc tồn tại để góp phần đưa quan hệ kinh tế song phương phát triển ổn định bền vững, đáp ứng lợi ích của hai bên.
Bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, dựa trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình hợp tác và phát triển bền vững Việt – Mỹ, Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với Mỹ để duy trì đà phát triển tích cực của quan hệ thương mại song phương.

Vào giữa tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương – ông Nguyễn Hồng Diên, đặc phái viên của Thủ tướng đã có buổi làm việc với Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer. Tại lần gặp gỡ đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, chính sách nhất quán của Việt Nam là mong xây dựng được mối quan hệ kinh tế, thương mại hài hòa, bền vững, ổn định, đôi bên cùng có lợi với Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam không có ý định tạo cản trở để gây phương hại đến người lao động hay nền kinh tế, an ninh quốc gia của Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Công thương còn chia sẻ về các nhóm giải pháp cụ thể mà Chính phủ Việt Nam đang chủ động triển khai thực hiện để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Mỹ một cách toàn diện, bền vững và hài hòa.