Đời sống

Chuyện ít biết về người cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 và câu nói đi vào lịch sử

Đại tá Bùi Quang Thận là người chỉ huy chiếc T54B húc cổng Dinh Độc Lập, sau đó cầm theo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và cắm lên nóc dinh vào trưa lịch sử 30/4/1975.

Nói đến 30/4/1975, không thể không nói về khoảnh khắc lịch sử khi lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chắc nhiều người cũng đã biết, người cắm cờ năm đó là một nhân vật lừng lẫy, cái tên quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt Nam – Đại tá Bùi Quang Thận.

Ông sinh năm 1948 tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, bắt đầu vào quân ngũ khi vừa tròn 18 tuổi, năm 1966. Chỉ một năm sau, cuộc chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt hơn khi quân đội Mỹ chính thức đổ quân ồ ạt vào miền Nam.

dai-ta-bui-quang-than-4

Từ một pháo thủ trẻ tuổi trong Trung đoàn Tăng Thiết Giáp, ông từng bước trưởng thành trong chiến đấu, để rồi trở thành Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203 thuộc Quân đoàn 2. Đơn vị này có nhiệm vụ thọc sâu làm nên khoảnh khắc cuối cùng của cuộc chiến.

Trưa ngày 30/4/1975, xe tăng T54B mang số hiệu 843 do ông Bùi Quang Thận chỉ huy đã lao đến Dinh Độc Lập, biểu tượng cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Xe bị kẹt tại cổng phụ, ông Thận không chần chừ mà lao khỏi xe, tay cầm lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đại đội trưởng Thận năm ấy băng qua làn đạn và những ánh mắt chưa kịp hết bàng hoàng, rồi trèo lên nóc dinh và cắm lên đó lá cờ lịch sử.

Khi được hỏi về giây phút thiêng liêng ấy, ông chỉ bình thản đáp: “Tôi chẳng nghĩ gì nhiều khi làm điều đó. Đấy là một việc rất đỗi bình thường của người lính trận. Ai ở trong hoàn cảnh ấy cũng sẽ làm như tôi…”.

dai-ta-bui-quang-than-3

Sau khi nhảy khỏi xe tăng, ông Thận quay lại nói với hai đồng chí đi cùng: “Các cậu ở lại, mình vào Dinh nhé! Nếu không thấy mình quay ra, cũng không thấy lá cờ này nhô lên thì tức là mình đã hi sinh ở trong Dinh rồi”.

Đến khi lên đến nóc Dinh, ông Thận đã xé lá cờ của chính quyền Sài Gòn, thay nó bằng lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và kéo lên. Thời khắc lịch sử đó là vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975.

dai-ta-bui-quang-than-2

Sau ngày đất nước thống nhất, ông được cử đi học và tiếp tục phục vụ trong quân đội, từng giữ chức Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 203 và Chủ nhiệm Tăng Thiết Giáp Quân đoàn 2. Năm 1995, ông được phong quân hàm Đại tá và nghỉ hưu vào năm 2000.

Cuộc sống sau chiến tranh của ông lại giản dị như bao người dân quê khác. Ông cùng vợ về quê làm ruộng, nuôi tôm cá, mở thêm cửa hàng bán chất đốt để mưu sinh. Không ồn ào, không ca ngợi bản thân, ông sống như một người nông dân chân chất – một người hùng im lặng giữa đời thường.

dai-ta-bui-quang-than-1

Ngày 24/6/2012, Đại tá Bùi Quang Thận đột ngột ra đi tại nhà riêng, để lại niềm tiếc thương vô hạn. Ông được yên nghỉ tại nghĩa trang quê nhà, xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.