Khám phá mới

Nhà thơ duy nhất ở Việt Nam từng làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, là chủ tịch đầu tiên của Hội nhà báo

Nhà thơ duy nhất ở Việt Nam từng làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, là chủ tịch đầu tiên của Hội nhà báo

Sinh thời, người đàn ông này được xem là biểu tượng của tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc. Ông là nhà thơ, nhà báo duy nhất ở Việt Nam làm đến chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Trong làng báo Việt Nam, có một nhân vật từng được Tổng bí thư Trường Chinh nhận xét là: “Có phong cách rất Bác Hồ… Ở anh Xuân Thủy người ta thấy có sự kết hợp hài hòa giữa tài năng và đức độ, giữa tính cách dân tộc truyền thống và văn minh thời đại”.

Người được nhắc đến chính là cố nhà báo Xuân Thủy (1912 – 1985), tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm. Quê ông ở xã Phương Canh, tổng Canh, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ (nay là phường Xuân Phương, thuộc quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Ông là một trong những nhà hoạt động cách mạng, nhà báo đầu tiên của Việt Nam. Ngoài ra còn là nhà ngoại giao, nhà thơ, chính khách nổi bật trong lịch sử nước nhà.

nha-bao-xuan-thuy-4
Nhà ngoại giao xuất chúng, nhà báo tài hoa Xuân Thủy. Ảnh tư liệu/Báo Nhân Dân

Lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống nên từ nhỏ Xuân Thủy đã sớm tham gia các tổ chức yêu nước, chống Pháp. Năm 1932, Xuân Thủy giác ngộ rồi dùng báo chí để hoạt động cách mạng. Bút danh Xuân Thủy có từ thời kỳ này, theo ông đến cuối đời.

Từ 1938 – 1943, Xuân Thủy nhiều lần bị bắt giam, đưa đi lưu đày nhưng vẫn không ngừng tìm cách âm thầm viết báo, đấu tranh. Đầu năm 1944, Xuân Thủy bị đưa về quê nhà quản thúc. Tại đây ông đã phụ trách báo Cứu Quốc, vừa làm chủ nhiệm, vừa là cây bút chính.

nha-bao-xuan-thuy-5
Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy (người đang phát biểu) - Trưởng đoàn Việt Nam đàm phán tại Paris năm 1968. Ảnh tư liệu

6 năm sau, tại Đại hội của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp tại Helsinki đã công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của OIJ. Cũng trong buổi đó, nhà báo Xuân Thủy trở thành nhà báo Việt Nam đầu tiên được bầu làm Phó chủ tịch OIJ (1957) và là nhà báo Việt đầu tiên được tặng thưởng phần thưởng cao quý của tổ chức này.

Sự nghiệp báo chí của nhà báo Xuân Thủy rất vẻ vang. Ông đã đóng góp quan trọng trong việc chỉ đạo, trực tiếp chuẩn bị cho sự ra đời của một số cơ quan báo chí lớn của đất nước như Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam…

nha-bao-xuan-thuy-1
Nhà báo Xuân Thủy, người quàng khăn ngồi giữa, và đồng nghiệp khi làm báo Cứu Quốc tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Cuộc đời của cố nhà báo Xuân Thủy gắn với những thời kỳ cách mạng khác nhau. Trong đó, nghề báo là điểm nhấn quan trọng, đặc biệt ý nghĩa với ông. Bên cạnh đó, ngoại giao cũng là lĩnh vực ông thể hiện rất xuất sắc.

Khởi đầu sự nghiệp ngoại giao, nhà báo Xuân Thủy từng nhiều lần tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc các đồng chí như Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu đàm phán với các tướng lĩnh của Tưởng Giới Thạch, Việt Quốc, Việt Cách.

nha-bao-xuan-thuy-6
Đồng chí Xuân Thủy (hàng đầu, bên phải) và đồng chí Lê Đức Thọ họp báo tại Hội nghị Pa-ri. Ảnh tư liệu

Giai đoạn 1961 – 1979, nhà báo Xuân Thủy là Trưởng ban Đối ngoại Trung ương và là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (4/1963 – 4/1965). Người đàn ông này được đánh giá xuất sắc trong cả ba “binh chủng” đối ngoại là: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Tuy nhiên, nếu phải kể về dấu ấn đậm nét nhất, chắc đó sẽ là giai đoạn 1968 – 1973. Khi đó, với tư cách Bộ trưởng, Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà báo Xuân Thủy đã có mặt ở Hội nghị Paris về Việt Nam. Đây là trang sử chói lọi của ngành ngoại giao nước nhà, cũng là cột mốc trong sự nghiệp quan hệ ngoại giao của ông Xuân Thủy. Trong 5 năm đó, Mỹ 4 lần đổi trưởng đoàn. Nhưng đồng chí Xuân Thủy của chúng ta vẫn luôn đảm nhận vị trí Trưởng đoàn của Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

nha-bao-xuan-thuy-2
Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thuỷ trả lời phỏng vấn các nhà báo quốc tế, Paris, năm 1968. Ảnh tư liệu/Báo QĐND

Ngày nay, tên của cố nhà báo Xuân Thủy được chọn đặt cho đường phố ở Hà Nội, TP.HCM. Điều đặc biệt, trên đường Xuân Thủy tại Hà Nội có rất nhiều trường đại học lâu đời, đáng chú ý là Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nơi chuyên đào tạo về báo chí.