Khám phá mới

Hé lộ mức lương của ngũ hổ tướng nhà Thục Hán: Kém xa Ngũ tử tướng của Tào Tháo, con số gây choáng

Cùng là tướng tài, người quan trọng của đất nước, nhưng ngũ hổ tướng Thục Hán nhận mức lương kém xa ngũ tử tướng của Tào Ngụy. Lý do vì sao?

Tam Quốc là thời kỳ lý tưởng để các anh hùng hào kiệt thể hiện bản thân. Bấy giờ có rất nhiều tướng tài xuất hiện, tên tuổi lưu danh đến tận bây giờ. Nhà Thục Hán có ngũ hổ tướng đình đám: Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Triệu Vân và Hoàng Trung. Trong khi đó, nhà Tào Ngụy có ngũ tử tướng: Trương Liêu, Trương Cáp, Từ Hoảng, Nhạc Tiến và Vu Cấm.

Nhìn chung, tất cả họ đều là tướng tài, có tầm ảnh hưởng lớn đến thời cuộc khi ấy. Nói đến thành tích thì bên nào cũng xứng đáng được ca ngợi, nhưng mức đãi ngộ của hai bên lại khác nhau.

tam-quoc-1

Ngũ hổ tướng dưới trướng Lưu Bị xét về tiếng tăm có phần nhỉnh hơn, được yêu mến nhiều hơn, nhưng lương tháng lại kém xa ngũ tử tướng. Liệu có phải vì Lưu Bị quá keo kiệt, không biết đối đãi với nhân tài?

Theo tìm hiểu, thời Tam Quốc đãi ngộ sẽ tính làm 3 phần. Một là bổng ngân và lộc mễ (tiền bạc và lương thực). Đây chính là lương cơ bản như chế độ hiện tại. Hai là thưởng riêng khi lập đại công (thường là vàng bạc, lụa là). Thứ ba là thực ấp. Đây là khoản thưởng mà quân chủ đặc biệt ban cho thần tử. Nó chính là nguồn thu từ thuế khóa, thuế lương của số lượng hộ dân trong khu vực người này quản lý. Chỉ khi phạm trọng tội thì thực ấp mới bị thu hồi, còn không họ sẽ được hưởng toàn bộ, mãi mãi đến cả đời con cháu.

tam-quoc-2

Riêng ở khoản thứ ba, ngũ hổ tướng nhà Thục Hán đã thua ngũ tử tướng nhà Tào Ngụy. Trong Tam Quốc Chí từng cho biết, thực ấp của Trương Cáp là 4300 hộ, Từ Hoảng là 3100 hộ, Vu Cấm và Nhạc Tiến là 1200 hộ, Trương Liêu thì chưa rõ bao nhiêu. Trong khi đó, ngũ hổ tướng không có ai được sở hữu thực ấp. Chính vì thiệt thòi đó mà lương của ngũ hổ tướng kém xa ngũ tử tướng.

tam-quoc-3

Điều này cũng dễ hiểu bởi thời Tam Quốc, Ngụy quốc chiếm đa số diện tích Trung Nguyên, Hoa Bắc. Với diện tích lớn, nhân khẩu nhiều, chẳng có lý do gì Tào Tháo lại keo kiệt với cận thần. Ở phía còn lại, Thục Hán có diện tích nhỏ nhất trong 3 nước lúc bấy giờ. Họ chỉ có Ích Châu và khu vực Hán Trung. Với nguồn lực có hạn, đất cùng thuế khóa đều được dùng để duy trì đất nước chứ không thể hào phóng chia cho các vị tướng. Đâu chỉ ngũ hổ tướng, đến cả đại quân sư Gia Cát Lượng cũng không hề có thực ấp.