Đại tướng duy nhất của Việt Nam 30 tuổi làm Tổng Tham mưu trưởng, là ‘cánh tay phải’ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trong dàn tướng lĩnh quân đội của Việt Nam, có một người Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận xét là: “Một nhà chỉ huy quân sự xuất sắc; là người tổ chức, chỉ huy đầu tiên của Bộ Tổng tham mưu - cơ quan chiến lược của QĐND Việt Nam, xứng đáng là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Người được nói đến chính là Đại tướng Hoàng Văn Thái (1915 – 1986), tên thật là Hoàng Văn Xiêm, quê ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Sinh thời, ông được đánh giá là vị tướng quân đội tài đức song toàn, có lối sống giản dị, trung thực, khiêm tốn. Không chỉ đồng đội, đồng chí mà người dân cũng rất yêu mến vị tướng này.
Từ nhỏ, đồng chí Hoàng Văn Thái đã bộc lộ tố chất thông minh, chăm chỉ của mình. Ông có bằng tốt nghiệp tiểu học Pháp – Việt loại ưu. Năm 13 tuổi, vì gia đình khó khăn mà đồng chí phải đi làm thuê. Về sau, ông dần dần bị ảnh hưởng bởi phong trào cộng sản, cuối cùng, năm 1936 đã tham gia cuộc bãi công chống chủ mỏ thiếc Tĩnh Túc ở Cao Bằng.
Tháng 3/1938, đồng chí Hoàng Văn Thái trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Bấy giờ ông hoạt động với bí danh Quốc Bình. Đến cuối tháng 10/1944, ông về nước hoạt động và chính thức lấy bí danh Hoàng Văn Thái.
Có thể nhiều người chưa biết, tướng Hoàng Văn Thái chính là 1 trong số 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Trong bức ảnh chụp ở buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22/12/1944, đồng chí Hoàng Văn Thái chính là người cầm cờ.
Chưa hết, vị tướng trận mạc này cũng chính là người cắm lá cờ chiến thắng trong trận đánh đồn Nà Ngần. Sau này, bà Đàm Thị Loan (phu nhân của tướng Hoàng Văn Thái) là một trong hai người đã kéo cờ trên kỳ đài trong Lễ Độc lập ngày 2/9/1945.
5 ngày sau Lễ Độc lập lịch sử ở Quảng trường Ba Đình, đồng chí Hoàng Văn Thái được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao thành lập Bộ Tổng Tham mưu và là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của QĐND Việt Nam. Năm đó, tướng Hoàng Văn Thái chỉ mới 30 tuổi.
Trẻ tuổi nhưng có đủ bản lĩnh và kinh nghiệm, Đại tướng Hoàng Văn Thái khi đó đã làm tròn trọng trách, góp phần xây dựng cơ quan tham mưu chiến lược của quân đội, ngành tham mưu toàn quân. Những ý kiến chỉ đạo của tướng Thái là yếu tố không thể không kể đến làm nên chiến thắng Hà Nội “60 ngày đêm khói lửa”.
Với những đóng góp lớn đó, ngày 20/1/1948, trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên, đồng chí Hoàng Văn Thái được phong quân hàm thiếu tướng. Đến năm 1959, ông Hoàng Văn Thái được phong hàm Trung tướng. Năm 1980, ông nhận hàm Đại tướng.
Dấu ấn của vị tướng này thể hiện rõ trong các chiến dịch lớn như Chiến dịch Biên giới (năm 1950), Trung du, Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào… Ông là Tư lệnh các chiến dịch lớn như chiến dịch Lộc Ninh (1967), Tây Ninh (1968), Tết Mậu Thân (1968), Xuân Hè (1972). Đặc biệt, ở Chiến dịch Điện Biên Phủ, tướng Hoàng Văn Thái chính là người ở bên cạnh Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, trực tiếp chỉ huy công tác tham mưu – tác chiến ở mặt trận, góp công làm nên thắng lợi vẻ vang, chấn động địa cầu.
Tài năng, tầm vóc của tướng Hoàng Văn Thái được cả phía đối thủ công nhận. Đế quốc Mỹ từng xem ông là “nhân vật số 1” của Cộng sản miền Nam Việt Nam. Trong khi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì khẳng định: “Ông là vị tướng trận mạc, sống nhân hậu, tình nghĩa được quân đội ta và nhân dân ta mến phục”.
Đại tướng Hoàng Văn Thái được tặng rất nhiều huân, huy chương cao quý. Nhưng ý nghĩa hơn tất cả là sự ghi nhận, yêu mến mà nhân dân dành cho ông. Ngày này, nhiều đường phố, địa danh trên cả nước được đặt theo tên của tướng Hoàng Văn Thái.