Vị vua đầu tiên của nước ta viết chiếu xin lỗi dân: Nổi tiếng ăn chơi, từng được ‘Gia Cát Lượng Việt Nam’ phò trợ
Vị vua này là vị vua đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam dũng cảm viết chiếu nhận lỗi với dân. Tuy nhiên, sinh thời ông là người nổi tiếng ăn chơi, có nhiều thú vui xa xỉ.
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, có nhiều vị vua đã từng viết chiếu nhận lỗi với dân. Người đầu tiên chính là vị vua thứ 7 của nhà Lý – Lý Cao Tông. Sau nhân vật này, vua Lê Thánh Tông cũng từng nhận sai khi bị Quốc tử Tế tửu giám kiêm Văn minh điện Đại học sĩ Nguyễn Bá Ký chỉ trích chỉ thích lối học phù hoa, không chú ý kinh, sử. Về sau, vua Quang Trung cũng từng đứng ra nhận trách nhiệm khi bị dân làng Văn Chương “kiện” chuyện Văn miếu Thăng Long bị đốt cháy, bia đá bị đạp đổ.
Vua Lý Cao Tông (1173 – 1210) là vị vua lên ngôi khi chỉ mới 3 tuổi. Thời gian đầu trị vì, ông được thái phó Tô Hiến Thành phò trợ. Nhờ được “Gia Cát Lượng Việt Nam” mà giai đoạn đó đất nước ta vẫn có được sự bình yên. Tuy nhiên, sau khi Tô Hiến Thành qua đời, nước ta như con thuyền mất lái, vua sa vào ăn chơi sa đọa. Cũng vì thế mà đất nước suy kiệt, tạo cơ hội cho giặc cướp xuất hiện khắp nơi.
Năm 1207, sau khi nhận ra sai lầm, Lý Cao Tông đã viết chiếu hối lỗi với dân: “Trẫm còn bé mà phải gánh vác việc lớn, ở tận nơi cửu trùng, không biết được cảnh khó khăn của dân chúng, nghe lời bọn tiểu nhân mà gây nên oán với kẻ dưới. Dân đã oán thì trẫm còn biết dựa vào ai? Nay trẫm sẽ sửa lỗi, cùng dân đổi mới. Ai có ruộng đất, sản nghiệp bị sung công sẽ được hoàn lại”.
Đáng tiếc, chỉ 3 năm sau khi viết chiếu nhận lỗi, Lý Cao Tông qua đời. Đến đời Lý Huệ Tông, sự nghiệp nhà Lý vẫn không có tiến triển. Năm 1225 thì sụp đổ.
Sinh thời, vua Lý Cao Tông nổi tiếng ăn chơi, tham tiền của. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vua chơi bời không có điểm dừng, rất ham của cải, lấy việc bán quan buôn ngục làm chính sự. Mỗi khi xảy ra kiện tụng, vua lại lợi dùng kiếm chác. Cũng vì thế mà nhà nước thì của cải chất núi nhưng bách tính thì kêu than, oán giận, giặc cướp khắp nơi.
Vua Lý Cao Tông rất thích vi hành, nhưng lại không phải để gần dân, tìm hiểu tình hình thực tế đất nước mà là để chơi bời, du ngoạn. Năm 1203, nhà vua cho xây loạt cung điện trước thềm kinh thành. Thậm chí, thời điểm đất nước loạn lạc ông vẫn ra khỏi cung đi chơi. Khi không thể đi, vua sai người đem cung nữ, phường tuồng chèo làm nghi vệ như mình đang ngự giá đi đâu đó. Ông còn sai người lấy sáp ong bọc lụa hoặc các hải vật rồi thả xuống ao. Sau đó sai người lội xuống mò lên như tìm được báu vật dưới long cung.