Lý do hồ Gươm luôn có màu xanh và chưa bao giờ cạn, bí ẩn loài sinh vật quý hiếm tồn tại dưới đáy hồ
Dù là mùa nào đi nữa, nước hồ Gươm vẫn luôn có màu xanh đẹp mắt. Qua hàng nghìn năm, bất kể chuyện gì xảy ra, nước trong hồ cũng chưa bao giờ cạn.
Hồ Gươm, còn gọi là hồ Hoàn Kiếm, hồ Tả Vọng, hồ Thủy Quân… Đây là một trong những biểu tượng của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Hồ rộng 12ha, nằm ở vị trí trung tâm Thủ đô và là nơi ai cũng muốn ghé thăm một lần.
Hồ Gươm đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam, nhưng những bí ẩn xoay quanh nó thì còn rất nhiều. Một trong số đó phải kể đến việc nước trong hồ luôn có màu xanh trong. Một số người cho rằng đó là bóng và màu phản chiếu của những cây cối bao quanh hồ. Xưa kia cũng có ý kiến khẳng định màu nước hồ Gươm ảnh hưởng bởi chất tiết của mỏ đồng dưới đáy.
Nhưng thật ra, theo PGS.TS Hà Đình Đức, nguyên nhân là bởi các chủng tảo lục. GS.TSKH Dương Đức Tiến chuyên gia nghiên cứu tảo hàng đầu Việt Nam cho biết, năm 1967, TS Tiborhortobargyi, Viện trưởng Viện Sinh lý Thực vật Hungary đã đến hồ Hoàn Kiếm để nghiên cứu. Tại đây, nhiều mẫu vật được lấy, cho ra kết quả bất ngờ. Theo đó, các taxon (đơn vị trong phân loại học) tảo lục chiếm số lượng lớn trong thành phần các loại tảo nơi đây. Nhờ đó mà nước hồ luôn có màu xanh trong.
Nghiên cứu của TS Tiborhortobargyi còn tìm thấy hơn 30 loại taxon. Chúng đều có gai ở đầu (tảo sừng), là loài tảo hiếm trên thế giới. Đặc biệt ơn, taxon ở đâu cũng có nhưng chỉ có tại hồ Hoàn Kiếm là nhiều gai như vậy.
Thậm chí, hiện tại có một chủng tảo Chlorella của hồ Hoàn Kiếm đang được kwu giữ ở Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Chủng tảo này được xác định có khả năng chịu nhiệt cao, dùng được trong các khoang tàu vũ trụ. Nhờ khả năng tạo oxy, hàm lượng dinh dưỡng cao mà nó sẽ tạo tuần hoàn trong khoang tàu.
Vậy tại sao hồ Gươm chưa bao giờ cạn nước? Để trả lời câu hỏi này, PGS.TS Hà Đình Đức đã trăn trỏ nhiều năm. Ong biết được hồ Gươm là một đoạn của sông Hồng cổ sau khi chuyển dòng. Xưa kia hồ rộng từ Hàng Đào xuống phố Lò Đúc và đổ ra sông Hồng. Dáng hồ lúc đó có hình trăng khuyết nên người xưa còn gọi nó là Nguyệt Hồ. Về sau thời chúa Trịnh, hồ được ngăn chia thành Tả Vọng và Hữu Vọng.
Đến cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp đã san lấp hồ Hữu Vọng để mở mang đường phố. Ngày nay chúng ta chỉ còn được nhìn thấy hồ Tả Vọng, cũng là hồ Gươm hiện tại.
Nguồn nước hiện nay của hồ Gươm được xác định là nước tự nhiên, tương đối ổn định và không bao giờ cạn. Tất cả các nhà khoa học đều “bó tay” không thể tìm ra nguyên nhân vì sao nước hồ tồn tại mãi như vậy.
Có người cho rằng vì hồ thông với sông Hồng nên phụ thuộc vào mực nước sông Hồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dù lũ lớn hay khô hạn kéo dài, nước sông Hồng lên xuống ra sao cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến mực nước ở hồ Gươm.