Bí mật về hồ Gươm đến người Hà Nội gốc cũng không biết: Từng suýt bị lấp, là nơi các cô gái gieo mình
Là biểu tượng của Hà Nội và Việt Nam, nhưng vẫn còn nhiều điều đặc biệt về hồ Gươm mà chúng ta không hề hay biết.
Hễ nói đến Hà Nội, hồ Gươm sẽ là một trong những nơi được nhắc đến đầu tiên. Từ rất lâu về trước, nó đã là biểu tượng của Thủ đô, địa điểm mà bất cứ ai khi đến thành phố này đều muốn ghé qua. Hồ Gươn được hình thành từ cuối thời Hậu Lê. Lúc bấy giờ, hồ Lục Thủy ở phía đông kinh thành bị ngăn đôi. Phần trên hồ gọi là Tả Vọng (hồ Gươm ngày nay), phần dưới là Hữu Vọng. Xưa kia vua chúa thường chọn hồ Tả Vọng làm nơi nghỉ ngơi, giải trí. Trong khi đó Hữu Vọng là nơi binh lính duyệt quân.
Đến thế kỷ 19, hồ Gươm mới thực sự trở thành trung tâm của Hà Nội. Tuy không phải hồ lớn nhất thủ đô nhưng hồ Gươm gắn liền với cuộc sống của người dân Thủ đô. Hơn cả thế, đây còn là địa danh gắn với huyền sử, biểu tượng của khát khao hòa bình, nguồn cảm hứng vô tận của nghệ thuật.
Nhưng có thể nhiều người còn chưa biết, trong quá khứ hồ Gươm từng suýt bị san lấp. Một “cuộc chiến” công văn đã diễn ra vào cuối thế kỷ 19, tranh cãi xoay quanh việc có nên lấp hồ lấy chỗ làm khuôn viên vui chơi hay không.
Cụ thể, năm 1883, công sứ Pháp đầu tiên của Hà Nội – Bonnal ra chỉ thị quy hoạch hồ Gươm. 10 năm sau, con đường rộng 10m bao quanh hồ được khánh thành. Nó trở thành địa điểm để người dân đi dạo, hóng mát.
Đến năm 1925, hội đồng thành phố bắt đầu nghĩ đến chuyện mở rộng quảng trường Négrier (quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày nay), lấy chỗ cho người dân vui chơi. Việc di dời, giải tỏa khu phố cổ là điều bất khả thi vì rất tốn kém. Thế nên phương án lấp hồ được nghĩ ra đầu tiên. Hội đồng thành phố khi đó đề xuất lấp 20m hồ tại phố Francis Garnier (phố Đinh Tiên Hoàng ngày nay) và 10m ở phía Tây (phố Lê Thái Tổ hiện nay).
Tuy nhiên, phía Viện Viễn Đông Bác cổ kịch liệt phản đối dự án này vì cho rằng nó đang phá hoại các di tích lịch sử ven hồ. Thế rồi hai bên liên tục gửi công văn qua lại, chẳng khác gì một “cuộc chiến”. Cuối cùng, thống sứ Bắc Kỳ đã cho phép thành phố làm việc. San lấp xong, phía thành phố cho trồng cây, lát vỉa hè. Cho đến hiện tại, diện tích hồ Gươm không thay đổi nữa.
Thêm một điều ít ai nhắc đến, xưa kia hồ Gươm từng là địa điểm nhiều cô gái trầm mình. Thông tin từ báo Thanh Niên, trong Luận án tốt nghiệp bác sĩ Trường Y Hà Nội năm 1937 của Vũ Công Hòe, bàn về “Vấn đề tự sát trong xã hội Việt Nam” có nhắc đến chuyện thập niên 1920, 1930 chuyện này đã là vấn đề mang tính xã hội ở nước ta.
Chỉ trong khoảng 2 năm (1934 – 1936), có đến 20 vụ tự kết liễu xảy ra, đa số đều là các cô gái. Nguyên nhân chủ yếu đến từ vấn đề tình cảm, bị ép hôn… Trong đó có 2 vụ gây chú ý nhất khi nhân vật chính là tiểu thư phố cổ Hà Nội.
Đầu tiên là cô Hồng, tiểu thư Hàng Gai. Cô Hồng yêu một chàng trai ở Hàng Bồ. Khi bố mẹ cô biết chuyện liền cấm đoán và quyết gả con gái cho một nhà giàu ở phố Hàng Đường. Ngày nhà trai đến thưa chuyện, cô Hồng nhất quyết từ chối, khóc lóc van xin. Trước tình cảnh không thể thay đổi được cha mẹ, cô Hồng quyết định ra hồ Gươm gieo mình. Đến khi nhìn thấy xác cô nổi lên ở gần bờ phố Hàng Khay thì gia đình mới biết chuyện nhưng đã quá muộn.
Tương tự cô Hồng, cô Phượng Hàng Ngang cũng vì chuyện tình cảm mà quyết định trầm mình xuống hồ Gươm. Xác cô nổi lên gần Tháp Rùa. Bấy giờ những tờ báo còn thêm thắt biến chuyện cô nhảy hồ là một chuyện ly kỳ, có tính liêu trai. Thậm chí còn xuất hiện cả cuốn tiểu thuyết “Mồ cô Phượng” bán rất chạy, dựng luôn thành kịch.