Hậu duệ kiệt xuất của Quan Vũ: Từng khiến Tổng thống Mỹ phải nể, được cả Trung Quốc ngưỡng mộ
Truyền nhân đời thứ 72 của Quan Vũ là một nhân vật nổi tiếng cả Á lẫn Âu. Ông thậm chí còn được tiếp kiến thân mật với Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc.
Nói đến Tam Quốc, không thể không kể đến Quan Vũ (161 – 220). Ông là vị tướng được đánh giá tài giỏi, vĩ đại bậc nhất thời bấy giờ ở Trung Quốc. Ngoài ra, Quan Vũ còn là người góp công thành lập nhà Thục Hán với Lưu Bị, đứng đầu ngũ hổ tướng của triều đại này.
Cuộc đời, sự nghiệp cầm binh của Quan Vũ rực rỡ bao nhiêu thì cái chết của ông lại tức tưởi bấy nhiêu. Chính sử chép lại, năm 219, Quan Vũ sau khi mất Kinh Châu đành lui về Mạch Thành. Ở đó ông bị quân Đông Ngô bao vây, phải tìm cách thoát thân. Trên đường rút lui, Quan Vũ gặp mai phục ở Lâm Thư, ông cùng con trai là Quan Bình bị Mã Trung – bộ tướng của Phan Chương bắt sống rồi hành quyết tại chỗ.
45 năm sau, Bàng Hội đã “tắm máu” gia tộc nhà Quan Vũ để trả mối thù giết cha. Chính sử cho rằng sau sự kiện đó hậu duệ của vị tướng này đều đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên, về sau lại xuất hiện thêm thông tin mới, khẳng định Quan Vũ vẫn còn truyền nhân. Đó là dòng Quan Di, nay được coi là đại tông thất của hậu duệ Quan Vũ.
Nhánh này ngay khi nhà Ngụy chiếm được nước Thục đã chuyển xuống Phúc Kiến, Quảng Đông sinh sống. Để tránh tai họa, họ còn đổi thành họ Môn, mãi đến năm 316 khi nhà Tây Tấn sụp đổ thì mới lấy lại họ Quan.
Trong lịch sử, sau đời Quan Vũ, dòng họ Quan có nhiều người tài giỏi nổi tiếng như Quan Lang (đại thần đời Bắc Ngụy), Quan Khang Chi (đại danh nho đời Nam triều), Quan Phiên (tể tướng đời Đường)…
Sang thế kỷ 20, hậu duệ của Quan Vũ xuất hiện các nhân tài làm rạng danh Trụng Quốc như tiến sĩ Quan Nghĩa Tân (nhà thực vật học, chuyên gia nông nghiệp hàng đầu). Đặc biệt nhất là Quan Anh Tài, truyền nhân đời thứ 72 của Quan Vũ. Ông được mệnh danh là “Cự phú công thương Đông Nam Á”. Ông mở nhiều cơ sở kinh doanh ở các nước Đông Nam Á như Brunei, Malaysia, Singapore…
Quan Anh Tài (1923 – 2012), quê ở Giang Môn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Năm 15 tuổi ông đã lên đường sang Đông Nam Á mưu sinh một mình. Bấy giờ Quan Anh Tài khởi nghiệp làm phụ xe, sau làm tài xế xe ô tô nhỏ. Một ngày ông làm việc hơn 14 tiếng, chỉ mong tích góp vốn để thực hiện mơ ước làm giàu.
Đầu những năm 1950, Quan Anh Tài có được chút vốn và kinh nghiệm nên mở một hãng xe bus nhỏ. 10 năm sau thừa thắng xông lên, vị doanh nhân còn mở cả công ty xây dựng Anh Tài và công ty kim khí điện máy Mã Lai Dịch tại Brunei.
Không dừng ở đó, Quan Anh Tài lấn sân sang cả lĩnh vực ăn uống, giải trí, mở nhà hàng hải sản tại Brunei. Đến năm 1972, truyền nhân của Quan Vũ bước chân vào lĩnh vực hàng hải, địa ốc và cũng rất nhanh sau đó giành được chỗ đứng. Giới Hoa kiều thành đạt gọi Quan Anh Tài là “thuyền vương Brunei” vì tầm ảnh hưởng của ông ở đất nước này là quá lớn.
Về sau, Quan Anh Tài đến Malaysia, Singapore kinh doanh. Hầu hết nơi nào ông đến, việc gì ông làm cũng đều thành công. Sự nghiệp mẫu mực đáng học hỏi đó mang đến cho Quan Anh Tài nhiều tiền bạc lẫn sự kính nể của mọi người. Nhờ nhiều lần gửi tiền về quê hương tài trợ làm từ thiện, công trình công cộng, ông được tặng danh hiệu “công dân danh dự” của hơn 10 tỉnh thành tại Trung Quốc.
Năm 2004, Quan Anh Tài còn được tiếp kiến thân mật với Tổng thống Mỹ Bush, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cùng nhiều quan chức cấp cao của Trung Quốc. Năm 2007, tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao, vị doanh nhân này đã mời Bill Gates đế Hải Nam để hỗ trợ ông xây dựng khu văn hóa Quan Công, nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa quốc tế, phát huy tinh thần “dũng, tín, nghĩa, thành” trong việc kinh doanh.
Cùng với hậu duệ của Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Quan Anh Tài đã tổ chức ra Tổng hội Long Cương quốc tế. Trước khi qua đời ông là người giữ chức chủ tịch của hội này.