Khám phá mới

Cận cảnh địa đạo các tướng lĩnh bộ đội Trường Sơn hoạt động, nay thờ vị tướng huyền thoại được phong vượt cấp

Năm xưa, khu vực này là nơi có đủ hệ thống đường hầm, hào, địa đạo kết nối thông với nhau. Ngoài ra, nó cũng là nơi mà các tướng lĩnh bộ đội Trường Sơn trú ẩn, hoạt động.

Năm 1966, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 quyết định chuyển từ huyện Minh Hóa, Quảng Bình về đóng quân ở xã Hương Đô, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Lúc bấy giờ, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Tiền phương kiêm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn – tướng Đồng Sỹ Nguyên đã quyết định đặt sở chỉ huy tiền phương ở khu vực này.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Truyền thống huyện Hương Khê cho rằng lý do xã Hương Đô được chọn là vì nơi đây có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa, lại hội tụ 4 nhất: An toàn nhất, bí mật nhất, bất ngờ nhất và có thời gian lâu nhất.

dia-dao-huong-do-3

Trên vùng đất rộng khoảng 5.000 m2 có đủ hệ thống đường hầm, hào, địa đạo dưới lòng đất. Đây cũng là nơi các tướng lĩnh bộ đội Trường Sơn hoạt động, trong đó có vị tư lệnh huyền thoại – Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Chiến tranh qua đi, khu vực năm xưa đặt Sở chỉ huy đã được phục dựng, làm mới một số hạng mục và trở thành địa điểm tham quan, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt, nằm trong hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn.

dia-dao-huong-do-7

Ngay ở lối vào là tấm bia đá cao 2 mét, xây từ năm 2002. Tấm bia này khắc tên các đơn vị từng đặt sở chỉ huy ở xã Hương Đô, phía sau còn có tên các lãnh đạo quân đội ngày đó như: Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Trung tướng Vũ Xuân Chiêm, Trung tướng Nguyễn Đôn, Trung tướng Lê Quang Đạo.

Tiếp đến sẽ là ngôi nhà cấp bốn hai gian. Đây chính là Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn năm xưa sau khi phục hồi, tôn tạo. Đặc biệt, nơi đây có khu vực địa đạo với hầm chữ A, cao hơn 1 mét, dài khoảng 5 mét, rộng 3 mét. Đó là nơi mà bộ đội ta trước kia sử dụng để làm việc. Một căn hầm khác rộng khoảng 75m2, thấp hơn mặt đất 1 mét thì là hội trường sinh hoạt.

dia-dao-huong-do-5

dia-dao-huong-do-6

Để tránh bom, đạn, có một hệ thống hầm trú ẩn đã được xây dựng lên. Bên trong đó từng diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của các tướng lĩnh Trường Sơn. Ngày nay, để bảo tồn, khu vực hầm trú ẩn đã được xây tường xi măng bao quanh.

dia-dao-huong-do-4

Điều đặc biệt, bên trong nhà chỉ huy ở đây có đặt bàn thờ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ông được mệnh danh là vị tư lệnh huyền thoại của Trường Sơn, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi trực tiếp chỉ huy ở chiến trường Trường Sơn, ông chính là người tổ chức thế trận giao thông liên hoàn, giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn hay hệ thống “trận đồ bát quái”… Năm 1974, vị trung tướng đã đề xuất xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn để tưởng nhớ những người anh hùng đã ngã xuống.

dia-dao-huong-do-1

Sau khi tướng Đồng Sỹ Nguyên qua đời, người dân, chính quyền địa phương đã quyết định lập bàn thờ ông ở đây. Những bức ảnh ghi lại hoạt động của ông trên con đường binh nghiệp cũng được in ra, đóng khung và treo gần bàn thờ.

dia-dao-huong-do-2

Trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là vị tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn lâu nhất (1967 – 1975). Ngoài ra, ông còn là một trong hai vị tướng quân đội được phong hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng.

Lập nhiều chiến công trong chiến tranh, đến thời bình, tướng Đồng Sỹ Nguyên tiếp tục đóng góp cho đất nước với nhiều cương vị khác nhau như Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Phó Thủ tướng…

Ảnh: Xuân Sinh