Việt Nam thuộc triều đại nào thời Thành Cát Tư Hãn? Vị tướng kiệt xuất của nước ta dẫn quân chinh phạt Trung Quốc là ai?
Lúc Thành Cát Tư Hãn đang làm mưa làm gió ở Mông Cổ, khiến cả phương Tây e ngại, Việt Nam đang như thế nào? Thời bấy giờ, nước ta thuộc triều đại gì?
Thành Cát Tư Hãn (1162 – 1227) là nhân vật nổi tiếng toàn thế giới, người sáng lập ra đế quốc Mông Cổ sau khi hợp nhất các bộ lạc độc lập tại vùng Đông Bắc Á năm 1206.
Trong lịch sử thế giới, Thành Cát Tư Hãn luôn được đánh giá là người có sức ảnh hưởng lớn nhất. Ông không chỉ là lãnh đạo của người Mông Cổ mà còn đu0ợc người Trung Hoa sau này tôn làm Nguyên Thái Tổ, bởi cháu nội ông – Hốt Tất Liệt chính là người sáng lập ra nhà Nguyên.
Sinh thời, vó ngựa củ Thành Cát Tư Hãn tung hoành khắp lục địa Á – Âu, đế chế Mông Cổ là đế chế lớn nhất trong lịch sử thế giới, vươn đến Bắc Băng Dương ở phía Bắc, Vịnh Ba Tư ở phía Nam, Bán đảo Triều Tiên ở phía Đông và Hungary ở phía Tây.
Trong lúc Thành Cát Tư Hãn “làm mưa làm gió” khắp nơi, tình hình ở Việt Nam như thế nào? Giai đoạn vị Khả Hãn Mông Cổ này còn sống, nước ta đang thuộc triều đại nhà Lý (1009 – 1225), đôi khi được gọi là Hậu Lý để phân biệt với Tiền Lý do Lý Bí thành lập.
“Đại Việt sử ký toàn thư” và “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép rằng, 10/1009, Lê Long Đĩnh mất, Lý Công Uẩn với sự ủng hộ của Đào Cam Mộc và thiền sư Vạn Hạnh đã lên ngôi hoàng đế. Triều đại nhà Lý bắt đầu từ đó, kinh đô nước ta được dời từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Hà Nội) vào năm 1010.
Nhà Lý là triều đại đầu tiên giữ được chính quyền lâu dài ở Việt Nam (kéo dài hơn 200 năm). Tên gọi của nước ta lúc bấy giờ đổi từ Đại Cồ Việt sang Đại Việt và mở ra kỷ nguyên Đại Việt rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc.
Dưới thời Lý, nước ta rất sùng đạo Phật, nhưng ảnh hưởng của Nho giáo vẫn lớn nên việc học tập, thi cử được đề cao. Nhà Lý chính là triều đại mở Văn Miếu (1070) và Quốc Tử Giám (1076) cùng những khoa thi chọn nhân tài cho đất nước. Bấy giờ, quân đội nhà Lý cũng rất đáng gờm, là yếu tố then chốt giúp chúng ta bảo vệ được lãnh thổ trước sự quấy nhiễu của Vương quốc Đại Lý, Đế quốc Khmer.
Một nhân vật nổi tiếng thời Lý, được nhắc đến nhiều nhờ các chiến công vang dội trên chiến trường là Lý Thường Kiệt. Ông chính là người đã dẫn quân đánh phá vào lãnh thổ nhà Tống năm 1075.
Lý Thường Kiệt (1019 – 1105), tên thật là Ngô Tuấn, tự Thường Kiệt. Ông xuất thân là dòng dõi hoàng tộc, con của Sùng Tiết Tướng quân Ngô An Ngữ. Theo phả hệ họ Ngô Việt Nam thì Lý Thường Kiệt chính là con của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập – con trưởng của Ngô Quyền.
Sử chép rằng năm 1072, vua Lý Thánh Tông qua đời, thái tử Càn Đức lên ngôi khi chỉ mới 7 tuổi, được Thái phi Ỷ Lan cùng các đại thần như Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành phò trợ việc nước. Lúc này nước ta nhận tin do thám, biết được âm mưu xâm lược của quân Tống.
Thái úy Lý Thường Kiệt không thể ngồi im đã dâng tấu lên vua, đề xuất đánh phủ đầu. Ông nói: “Ngồi yên đợi giặc sao bằng đánh trước để bẻ gãy mũi nhọn của chúng”. Cuối cùng, chiến lược “tiên phát chế nhân” đã được đưa ra. Đại Việt lần đầu tiên trong lịch sử tiến đánh vào đất Trung Hoa. Quân Tống dĩ nhiên không bao giờ nghĩ đến viễn cảnh đó nên bị tập kích bất ngờ, rơi vào thế bị động. Sau 42 ngày xuất quân, quân Đại Việt hạ được thành Ung Châu, khiến tướng Tô Giám của nhà Tống phải tự kết liễu. Đánh thắng xong, Lý Thường Kiệt cho quân lui về chuẩn bị phòng tuyến đánh chặn địch từ trong nước, dẫn đến trận chiến trên sông Như Nguyệt vang danh lịch sử sau này.
Lý Thường Kiệt sau này dù đã 82 tuổi vẫn tình nguyện cầm quân đánh giặc Lý Giác ở Diễn Châu (năm 1103), dẹp yên quâ Chiêm Thanh ở Bố Chính (năm 1104). Năm 86 tuổi, Thái úy Lý Thường Kiệt qua đời. Những đóng góp to lớn của ông cho đất nước vang danh mãi ngàn đời, được hậu thế ghi lòng tạc dạ. Ngày nay, tên của Lý Thường Kiệt được dùng để đặt cho nhiều địa danh trên cả nước. Ngoài ra, ông còn được dân tôn thờ, lập đền cúng bái.