Khám phá mới

Việt Nam thuộc triều đại nào ở thời 108 anh hùng Lương Sơn Bạc? Có vị nữ vương duy nhất trong lịch sử

Khi Trung Quốc đang có cuộc nổi dậy của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, Việt Nam đang thuộc triều đại nào? Bấy giờ, vương triều này của nước ta có gì đặc biệt?

Những ai theo dõi văn học Trung Quốc không còn xa lạ gì với tác phẩm Thủy Hử. Đây là một trong những thành tựu lớn của Thi Nại Am, là một trong tứ đại danh tác của nước bạn. Chuyện kể về sự hình thành, thành tích của một nhóm người chống lại triều đình. Nhóm người này có căn cứ ở Lương Sơn Bạc, do 108 vị anh hùng lãnh đạo. Họ được gọi là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc.

tong-giang-3
Nhân vật Tống Giang trong phim Thủy Hử. Ảnh: Internet

Bối cảnh của Thủy Hử là vào thời nhà Tống. Triều đại này do Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận sáng lập, cai trị Trung Quốc từ năm 960 đến năm 1279. Sự thối nát của nhà Bắc Tống (960 – 1127) lúc bấy giờ là yếu tố quan trọng khiến các nhóm anh hùng từ riêng lẻ lại tụ về Lương Sơn.

Đối chiếu mốc thời gian, khi này Việt Nam đang thuộc nhà Hậu Lý. Đây là vương triều do Lý Công Uẩn sáng lập sau khi giành được quyền lực từ tay nhà Tiền Lê, kéo dài suốt hơn 200 năm. Nhà Hậu Lý trở nên đặc biệt hơn tất cả các triều đại trước đó nhờ “tuổi thọ” dài hơn hẳn chứ không chỉ vài chục năm.

nha-ly-1
Tượng Lý Thái Tổ. Ảnh: Internet

Cũng trong thời Hậu Lý, nước ta có nhiều sự thay đổi lớn. Đầu tiên, quốc hiệu của đất nước từ Đại Cồ Việt được đổi thành Đại Việt. Kể từ đây, nước ta gắn liền với tên mới này, kỷ nguyên Đại Việt rực rỡ nhất lịch sử dân tộc cũng chính thức bắt đầu. Không chỉ vậy, Lý Công Uẩn còn quyết định dời đô từ thành Đại La (Ninh Bình) đến Thăng Long (Hà Nội). Những vương triều sau như Trần, Mạc, Hậu Lê vẫn chọn đất Thăng Long làm kinh đô. Ngày nay, Hà Nội tiếp tục là thủ đô nước ta.

Theo lịch sử, nhà Tống thời điểm đó là một thế lực đáng gờm. Để giữ mối giao hảo, Lý Thái Tổ đã cho sứ sang quan hệ với nhà Tống. Tuy nhiên, phương Bắc vẫn luôn manh nha xâm chiếm nước ta. Sau nhiều lần bị quấy nhiễu, năm 1073, Lý Thường Kiệt quyết định mang quân đánh sang đất Quảng Tây, Quảng Đông của nhà Tống như một cách “dằn mặt”. Lần đó 10 căn cứ quân sự của nhà Tống bị phá nát, ý đồ xâm lược của chúng cũng bị đập tan.

nha-ly-3
Tranh minh họa trận đánh trên sông Như Nguyệt. Ảnh: Internet

Nhưng phải đến chiến thắng trên sông Như Nguyệt (năm 1077) của quân dân nhà Lý mới thực sự khiến nhà Tống thất bại thảm hại, không còn dám gây chiến với Đại Việt. Từ đó, quan hệ hai nước hòa bình trở lại, thường cho sứ qua lại.

Nhà Lý giai đoạn đánh Tống có thể xem là khi phát triển ổn định nhất trong mọi lĩnh vực, từ quân sự, chính trị cho đến văn hóa. Triều đại này còn đặc biệt hơn nữa khi có cả vị nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Việt Nam: Lý Chiêu Hoàng. Cuộc đời của bà được sử sách kể lại nhiều, đến nay vẫn gây ra những tranh cãi kịch liệt.

ly-chieu-hoang-1
Nữ vương đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Ảnh: Internet

Lý Chiêu Hoàng lên ngôi khi chỉ mới 6 tuổi. 1 năm sau, cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh được Trần Thủ Độ sắp xếp đã diễn ra. Cũng chẳng bao lâu sau, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng, trở thành hoàng hậu của Trần Thái Tông, chính thức khép lại triều đại Hậu Lý.

ly-chieu-hoang-2
Tượng thờ Lý Chiêu Hoàng của nhân dân. Ảnh: Internet

Đến năm 1237, Lý Chiêu Hoàng bị phế truất vì không sinh được con nối dõi. Người thay bà ngồi vào vị trí hoàng hậu là Thuận Thiên Công Chúa, chị ruột của Lý Chiêu Hoàng. Bà xuất giá đi tu từ đó, nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại. Năm 1258, Lý Chiêu Hoàng được ban hôn cho Lê Phụ Trần, một vị tướng có công lớn với Trần Thái Tông. May mắn là cuộc hôn nhân này lại rất hạnh phúc, họ có với nhau 1 trai, 1 gái.

nha-ly-2
Đền Đô, nơi thờ 8 vị vua nhà lý ở Bắc Ninh. Ảnh: Dân Việt

Cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng được ví như một con rối chính trị. Việc bà nhường ngôi cho Trần Cảnh, sau này lại tái giá với Lê Phụ Trần để lại nhiều tranh cãi. Thậm chí có ý kiến cho rằng Lý Chiêu Hoàng không được thờ chung ở đền Đô (nơi thờ 8 vị hoàng đế nhà Lý) bởi bà bị xem như tội đồ làm mất cơ nghiệp nhà Lý.