Các quan chức giấu tên mới đây đã tiết lộ thời điểm cụ thể Tổng thống Donald Trump muốn đảm bảo lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine.
Hôm 15/2, tại Hội nghị An ninh Munich, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Nga và Ukraine, ông Keith Kellogg, tiết lộ rằng Mỹ có thể công bố kế hoạch hòa bình trong vài ngày hoặc vài tuần tới.
Chính quyền ông Trump đặt mục tiêu đạt được lệnh ngừng bắn ở Ukraine trước lễ Phục sinh (20/4/2025), nhưng các quan chức châu Âu tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của mốc thời gian này, cho rằng lệnh ngừng bắn có thể chỉ đạt được vào cuối năm nay.

Cuộc đàm phán ngừng bắn dự kiến sẽ khởi động với cuộc gặp giữa đại diện Nga và Mỹ tại Riyadh (Ả Rập Xê Út) vào ngày 18/2. Tuy nhiên, châu Âu không được mời tham gia, một quyết định khiến nhiều lãnh đạo EU và Anh lo ngại về vai trò của họ trong tiến trình hậu chiến.
Ông Kellogg lý giải điều này bằng việc thỏa thuận Minsk II năm 2015, do Đức và Pháp bảo trợ, đã không mang lại kết quả lâu dài: “Khi nhìn vào Minsk 2, có rất nhiều người tại bàn đàm phán thực sự không có khả năng thực hiện một số loại tiến trình hòa bình và thỏa thuận đã thất bại thảm hại. Vì vậy, chúng tôi sẽ không đi theo con đường đó”.


Trong khi đó, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb bày tỏ quan ngại khi nhấn mạnh rằng không thể bàn về tương lai của Ukraine và an ninh châu Âu mà không có sự tham gia của chính châu Âu. Trong khi đó, Nga tuyên bố sẽ không chấp nhận việc tạm thời đóng băng xung đột như trong thỏa thuận Minsk mà yêu cầu một giải pháp toàn diện, giải quyết tận gốc các nguyên nhân của cuộc chiến.
Việc Mỹ và Nga đàm phán mà không có sự góp mặt của châu Âu và Ukraine đã làm dấy lên những tranh cãi về sự công bằng và tính bền vững của bất kỳ thỏa thuận nào đạt được trong thời gian tới.