Khám phá mới

Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Việt Nam: ‘Cánh tay phải’ của tướng Giáp, 30 tuổi được Bác giao trọng trách

Vị tướng này được đánh giá là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là “cánh tay phải” đắc lực của Đại tướng Võ Nguyên Giáp một thời. Năm 30 tuổi ông đã là Tổng tham mưu trưởng đầu tiên ở Việt Nam.

Là một trong những vị tướng có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Hoàng Văn Thái (1915 – 1986) không chỉ góp phần xây dựng lực lượng vũ trang mà còn trực tiếp chỉ huy những chiến dịch mang tính bước ngoặt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

dai-tuong-hoang-van-thai-1
Đại tướng Hoàng Văn Thái. Ảnh tư liệu

Sinh năm 1915 tại Thái Bình, từ ngày còn trẻ, ông đã sớm giác ngộ cách mạng, trải qua những năm tháng tù đày và hoạt động bí mật. Đồng chí chính là 1 trong số 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Trong bức ảnh huyền thoại chụp tại buổi lễ ngày 22/12/1944, đồng chí Hoàng Văn Thái chính là người cầm cờ. Sau này, ông còn là người cắm lá cờ chiến thắng trong trận đánh đồn Nà Ngần.

dai-tuong-hoang-van-thai-2
Buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22/12/1944. Ảnh tư liệu

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho ông trọng trách thành lập Bộ Tổng Tham mưu – cơ quan đầu não của quân đội. Như vậy, đồng chí Hoàn Văn Thái trở thành Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên khi mới 30 tuổi. Dưới sự chỉ đạo của ông, quân đội ta đã có một hệ thống tham mưu chiến lược vững chắc, góp phần làm nên chiến thắng trong những trận đánh lịch sử.

Ngày 20/1/1948, đồng chí Hoàng Văn Thái được phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt phong tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ đó, ông tiếp tục đảm nhiệm vai trò Tham mưu trưởng và Đảng ủy viên trong nhiều chiến dịch quan trọng như Biên giới (1950), Trung du, Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào.

dai-tuong-hoang-van-thai-4
Đại tướng Hoàng Văn Thái và phu nhân. Ảnh tư liệu

Từ chiến dịch Biên Giới (1950) đến trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu (1954), đồng chí Hoàng Văn Thái luôn có mặt ở những điểm nóng, trực tiếp chỉ đạo tác chiến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng, đặc biệt là trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giúp quân ta giành thắng lợi trọn vẹn.

Sau khi hòa bình lập lại, ông tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong quân đội, đảm nhận vị trí Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao nhà nước (1958) và được phong quân hàm Trung tướng năm 1959.

dai-tuong-hoang-van-thai-3
Tướng Hoàng Văn Thái (bên trái) họp với các lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam. Ảnh tư liệu

Sau Hiệp định Paris năm 1973, ông trở lại miền Bắc, làm Phó tổng Tham mưu trưởng thứ nhất, phụ trách công tác tác chiến và chi viện chiến trường. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, đồng chí Hoàng Văn Thái là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng chi viện chiến trường, Phó Tổng Tham mưu trưởng thứ nhất, trên thực tế đảm nhiệm vai trò Tổng Tham mưu trưởng thay đồng chí Văn Tiến Dũng - người đã vào miền Nam trực tiếp chỉ huy mặt trận. Với sự chỉ đạo sáng suốt của ông cùng tập thể Bộ Tổng Tham mưu, quân đội ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công thần tốc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 1974, đồng chí Hoàng Văn Thái được phong quân hàm Thượng tướng. Từ năm 1974 đến 1986, ông giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Phó Tổng Tham mưu trưởng, tiếp tục có nhiều đóng góp cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Đến năm 1980, ông được phong quân hàm Đại tướng.

dai-tuong-hoang-van-thai-6
Tướng Hoàng Văn Thái báo cáo tình hình chiến trường miền Nam với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Với tài thao lược xuất sắc, tầm nhìn chiến lược và tinh thần tận tụy, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã trở thành một tượng đài trong lòng quân đội và nhân dân. Ông không chỉ là vị tướng tài ba trên chiến trường mà còn là một con người nhân hậu, hết lòng vì đồng đội và đất nước.

Tên của ông hiện nay được đặt cho nhiều con đường trên khắp cả nước, như một sự tri ân đối với những đóng góp vĩ đại của ông cho dân tộc.