Thế giới

Ông Trump đưa ra quyết định khiến thế giới hỗn loạn, giá vàng và đồng USD hưởng lợi cực lớn

Tuyên bố áp đặt các mức thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump thật sự đã khiến thị trường toàn cầu trở nên hỗn loạn, giá vàng bị ảnh hưởng rất lớn.

Gần đây, giá vàng đã tăng mạnh, vượt mức 2.900 USD/ounce vào ngày 10/2 và đạt kỷ lục 2.942 USD/ounce vào ngày 11/2. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn đang gia tăng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn.

Một trong những yếu tố lớn nhất thúc đẩy giá vàng là quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tăng thuế nhập khẩu thép lên 25% và nhôm lên 25% (từ mức 10%). Điều này khiến thị trường lo ngại về một cuộc chiến thương mại mới, làm giảm lòng tin của nhà đầu tư vào các tài sản rủi ro và khiến họ đổ xô vào vàng như một nơi trú ẩn an toàn.

Ông Trump tuyên bố: "Nước Mỹ cần sản xuất thép và nhôm trong nước, thay vì phụ thuộc vào nước ngoài". Việc loại bỏ các thỏa thuận miễn thuế với nhiều quốc gia, trong đó có Canada và Mexico, càng làm dấy lên quan ngại về sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

tong-thong-trump-1
Tổng thống Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế Mỹ cho biết nhà cung cấp thép lớn nhất của họ hiện là Canada. Tiếp đến là Mexico, Brazil, Hàn Quốc, Đức và Nhật Bản. Có đến khoảng 1/4 lượng thép Mỹ đang sử dụng là đến từ nhập khẩu.

Đáng chú ý, dù áp thuế thép và nhôm với Canada cùng Mexico nhưng ông Trump lại tạm hoãn kế hoạch áp dụng thuế 25% với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ 2 nước này. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ lại áp thuế 10% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong tuyên bố của mình, ông Trump nói: “Đã đến lúc các ngành công nghiệp lớn của chúng ta quay trở lại Mỹ. Chúng tôi muốn họ quay trở lại Mỹ”.

tong-thong-trump-2
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty

Vàng luôn là một tài sản được ưa chuộng trong những giai đoạn bất ổn kinh tế. Nhìn lại quá khứ, năm 2008, giá vàng lần đầu vượt 1.000 USD/ounce trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Năm 2011, khi khủng hoảng tiếp tục diễn ra, vàng đạt mức cao kỷ lục gần 1.900 USD/ounce. Năm 2022, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá vàng lên 2.070 USD/ounce chỉ trong vòng một tháng.

Những sự kiện này cho thấy, trong thời kỳ khủng hoảng, vàng luôn là kênh đầu tư ưu tiên. Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, vàng là tài sản thanh khoản cao, không có rủi ro tín dụng, khan hiếm và luôn giữ nguyên giá trị qua các thời kỳ bất ổn.

Thế giới ngay lập tức có những phản ứng mạnh mẽ trước quyết định của ông Trump. Thủ tướng Justin Trudeau của Canada gọi quyết định của ông Trump là "hoàn toàn vô lý" và tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả. Về phía châu Âu, họ cho biết có thể đưa ra các biện pháp thuế quan trả đũa, làm gia tăng căng thẳng thương mại.

Trong khi đó, chuyên gia Katrina Yu nhận định, Trung Quốc trước đây đã áp thuế lên than và dầu thô Mỹ. Chính sách áp thuế mới của ông Trump có thể mở rộng danh sách trừng phạt thương mại nếu căng thẳng tiếp tục leo thang.

tong-thong-trump-3
Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp về gia hạn cứu trợ kinh tế do dịch Covid-19, ngày 8/8/2020. Ảnh: Getty

Ngay sau phát ngôn của Tổng thống Mỹ, giá cổ phiếu các công ty sản xuất thép Trung Quốc giảm từ 0,145% đến 2,62%. Ngoài ra, giá quặng sắt mất đà tăng trưởng do lo ngại tác động tiêu cực từ thuế quan của Mỹ. Không chỉ vậy, thị trường chứng khoán châu Á rơi vào trạng thái bất ổn, nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Theo các chuyên gia, quyết định áp thuế quan của ông Trump đã giúp một số tài sản khác được hưởng lợi. Ngoài vàng còn có đồng USD. Đồng bạc xanh mạnh lên do các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn. Hay còn có trái phiếu chính phủ Mỹ, khi thị trường biến động, nhiều nhà đầu tư chuyển sang trái phiếu Mỹ như một biện pháp bảo vệ tài sản. Bitcoin cũng nằm trong danh sách này khi một số nhà đầu tư coi Bitcoin là “vàng kỹ thuật số”, khiến giá trị của nó có xu hướng tăng khi bất ổn gia tăng.