Nga lần đầu nói thẳng về khả năng Tổng thống Putin gặp mặt trực tiếp với Tổng thống Zelensky
Trong cuộc họp báo ở Moskva mới đây, phía Nga đã thẳng thắn đề cập đến khả năng Tổng thống Putin gặp mặt và đàm phán với người đồng cấp Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cho biết trong cuộc họp báo tại Moskva ngày 18/2 rằng Tổng thống Vladimir Putin sẵn sàng đàm phán với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nếu cần thiết. Cụ thể, ông Peskov chia sẻ: "Tổng thống Putin đã nói rằng ông ấy sẵn sàng đàm phán với ông Volodymyr Zelensky trong trường hợp cần thiết, nhưng nền tảng pháp lý cho các thỏa thuận cần được thảo luận, vì tính chính danh của ông Zelensky có thể bị hoài nghi".
Đây là lần đầu tiên Nga đề cập đến khả năng tổ chức một cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Ukraine. Tuy nhiên, ông Peskov không làm rõ điều kiện cụ thể để cuộc đàm phán này diễn ra.
Hồi tháng trước, Tổng thống Putin từng tuyên bố Moskva sẵn sàng đàm phán hòa bình với Kiev, nhưng loại trừ khả năng đối thoại trực tiếp với ông Zelensky, do cho rằng nhiệm kỳ của Tổng thống Ukraine đã hết hạn trong thời gian thiết quân luật. Nga từ lâu lập luận rằng ông Zelensky không còn thẩm quyền pháp lý kể từ khi nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 5/2024, trong khi Ukraine vẫn chưa tổ chức bầu cử tổng thống.
Ngược lại, chính quyền Ukraine khẳng định ông Zelensky vẫn là Tổng thống hợp pháp, do đất nước đang trong tình trạng thiết quân luật từ tháng 2/2022, khiến việc tổ chức bầu cử trong thời chiến là bất khả thi.
Vào cuối năm 2022, Tổng thống Zelensky đã ký sắc lệnh cấm đàm phán trực tiếp với Nga chừng nào ông Putin còn tại nhiệm. Ngày 14/2, ông tuyên bố chỉ sẵn sàng đối thoại với Tổng thống Nga nếu Ukraine thống nhất được quan điểm với Mỹ và châu Âu về cách thức chấm dứt xung đột.
Khi được hỏi về khả năng Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU), ông Peskov nhấn mạnh rằng đây là quyền chủ quyền của mỗi quốc gia. Ông khẳng định Nga không can thiệp vào quá trình hội nhập kinh tế của Ukraine, nhưng lại có quan điểm khác khi đề cập đến liên minh an ninh và quân sự, ám chỉ tham vọng gia nhập NATO của Kiev.
Trước đó, Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 2022, không lâu sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự. Đến tháng 6/2024, EU chính thức khởi động quá trình đàm phán kết nạp Ukraine, nhưng dự kiến sẽ mất một thập kỷ để hoàn tất.
Ngoài ra, Ukraine cũng mong muốn trở thành thành viên NATO và đã nộp đơn vào tháng 9/2022. Nga coi việc Ukraine theo đuổi tư cách thành viên NATO là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xung đột. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO cuối năm 2024 ở Washington, các nước thành viên khẳng định tương lai gia nhập NATO của Ukraine là "không thể đảo ngược", nhưng vẫn chưa đưa ra lời mời chính thức.
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã chỉ trích người tiền nhiệm Joe Biden vì ủng hộ Ukraine gia nhập NATO, cho rằng đây có thể là nguyên nhân khiến Nga tiến hành chiến dịch quân sự. Ông Trump cũng bày tỏ sự thấu hiểu đối với lập trường của Nga về việc phản đối Ukraine trở thành thành viên NATO.