Khám phá mới

Vị tướng nổi tiếng của QĐND Việt Nam là hậu duệ danh tướng nhà Trần, được toàn quân ngưỡng mộ

Vị tướng nổi tiếng của QĐND Việt Nam là hậu duệ danh tướng nhà Trần, được toàn quân ngưỡng mộ

Nói về vị tướng tài năng người Nghệ An này, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng nhận xét: “Toàn quân ai cũng biết rõ và ngưỡng mộ ông. Một con người hầu như cả cuộc đời, cả sự nghiệp của ông đều gắn bó trong lĩnh vực quân sự”.

Nghệ An là mảnh đất anh hùng, nơi sản sinh ra rất nhiều nhân tài cho Việt Nam. Trong lĩnh vực quân sự, có rất nhiều vị tướng giỏi xuất thân xứ Nghệ. Cuốn sách “Tướng lĩnh và anh hùng quê hương Nghi Lộc, Nghệ An” của tác giả Thiên Việt khẳng định, danh xưng “hổ tướng” đúng nhất khi nói về một người. Ông là niềm tự hào của QĐND Việt Nam, là người con ưu tú của Nghệ An – Thiếu tướng Hoàng Đan.

Thiếu tướng Hoàng Đan (1928 – 2003) quê ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Gia đình của ông có bề dày truyền thống đáng ngưỡng mộ, khi nhiều đời làm quan, bốc thuốc, tham gia cách mạng. Gia phả dòng họ Hoàng ở xã Nghi Thuận còn chép rõ: “Hoàng Đan là hậu duệ đời thứ 22 của Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn - danh tướng đời nhà Trần”.

thieu-tuong-hoang-dan-1
Thiếu tướng Hoàng Đan. Ảnh chụp tại chiến trường Khe Sanh năm 1968. Ảnh do gia đình cung cấp 

Mang trong mình dòng dõi anh hùng đó, năm 17 tuổi đồng chí Hoàng Đan đã tham gia mặt trận Việt Minh, trực tiếp lãnh đạo một đoàn người cướp chính quyền tay sai ở huyện Nghi Lộc lúc bấy giờ. Sau này, ông có mặt ở mọi mặt trận khốc liệt nhất như kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giệt giặc Pôn Pốt, chống xâm lược Trung Quốc.

Cuộc đời binh nghiệp của Thiếu tướng Hoàng Đan có đến hơn 40 năm cầm binh ra trận. Ông luôn là người chỉ huy mẫu mực, trí dũng song toàn trong mắt các lớp sĩ quan quân đội. Những câu chuyện về ông được lưu truyền cả trong chính sử lẫn lời kể của người chứng kiến.

thieu-tuong-hoang-dan-2
Thiếu tướng Hoàng Đan chụp ảnh lưu niệm với Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thượng tướng Chu Huy Mân tại Quân đoàn 14, năm 1979. Ảnh do gia đình cung cấp
thieu-tuong-hoang-dan-3
Các đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Quân đoàn 1; Lê Quang Hòa, Chính ủy Quân đoàn (người đứng thứ ba và thứ tư từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm (người đứng thứ nhất, từ trái sang là Phó tư lệnh Quân đoàn 1 Thiếu tướng Hoàng Đan). Ảnh do gia đình cung cấp 

Tướng Đan 22 tuổi đã làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 418, Trung đoàn 57, Sư đoàn 304. Ngày đó anh trai ông là Hoàng Khuê làm Đại đội trưởng thuộc quyền. Ra chiến trường, dù là anh em, tướng Đan vẫn không kiêng dè, nể tình mà quát anh trai vì không làm tròn nhiệm vụ.

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, người đồng đội gắn bó với tướng Hoàng Đan một thời thì cho biết, ra chiến trường nơi nào ác liệt nhất là nơi đó có mặt tướng Đan. Ông dũng cảm, mưu trí, dám nghĩ, dám làm và không bao giờ bỏ cuộc trước khó khăn.

thieu-tuong-hoang-dan-4
Chân dung ông Hoàng Đan chỉ huy ở mặt trận Lạng Sơn năm 1979. Ảnh tư liệu

Là người trực tiếp chỉ đạo nhiều trận đánh, Thiếu tướng Hoàng Đan vô cùng thấu hiểu chứng kiến những mất mát, hy sinh của quân dân ta. Có một câu nói nổi tiếng của ông đến nay vẫn được truyền lại: “Không có một tổn thất nào là nhỏ khi nói về người lính đã ngã xuống. Mỗi người lính hy sinh họ là con, là chồng, là cha trong một gia đình. Đó là sự mất mát không thể bù đắp”.

thieu-tuong-hoang-dan-6
Ông Hoàng Đan - Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, giao nhiệm vụ cho binh đoàn thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc lập (4/1975). Ảnh tư liệu

thieu-tuong-hoang-dan-7
Ông Hoàng Đan - Phó Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Lê Trọng Tấn, 1976. Ảnh tư liệu

Con trai vị tướng này – ông Hoàng Nam Tiến từng chia sẻ với báo chí rằng ba ông là người cứng rắn, nóng nảy, nhưng lại không kìm được cảm xúc khi đứng trước những chiến sĩ đã ngã xuống vì bảo vệ nền độc lập của nước nhà. “Ông yêu tôi nhưng cả đời mình, tôi chưa từng được ông ôm. Ngày ông nội tôi mất, ba tôi không khóc. Vậy mà có một lần, khi đứng ở Nghĩa trang Trường Sơn, trước mộ của một người lính của ông đã hy sinh ở Quảng Trị, tôi thấy ba mình đã khóc - lần đầu tiên và duy nhất trong đời”, ông Hoàng Nam Tiến kể lại.

thieu-tuong-hoang-dan-8
Thiếu tướng Hoàng Đan - Tư lệnh Quân đoàn 5, cùng đồng đội và chuyên gia quân sự Liên Xô tại mặt trận Lạng Sơn, 1979. Ảnh tư liệu
thieu-tuong-hoang-dan-9
Thiếu tường Hoàng Đan cùng vợ (Bà Nguyễn Thị An Vinh) và các con Hoàng An, Hoàng Xuân Hồng và Hoàng Nam Tiến. Ảnh gia đình cung cấp

Sau khi chiến tranh qua đi, tướng Đan bắt tay vào nghiên cứu và giảng dạy, ghi chép lại những năm tháng hào hùng của dân tộc để truyền cho thế hệ sau. Nhưng vào một ngày mùa đông năm 2003, ông đột ngột qua đời khiến toàn quân, toàn dân vô cùng tiếc thương. Đó là sự mất mát lớn cho quân đội, Nhân dân, Đảng và và Nhà nước ta. Năm 2015, Thiếu tướng Hoàng Đan được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Dù trái tim của vị “hổ tướng” xứ Nghệ này đã ngừng đập, nhưng tinh thần, chiến tích của ông vẫn mãi mãi được thế hệ sau nhắc lại để học hỏi.