Hai nữ Anh hùng LLVTND cùng tên: Người 3 lần được gặp Bác Hồ, người là nguyên mẫu trong bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu
Hai nữ anh hùng này đều có cùng tên Trần Thị Lý. Một người trong số họ là nhân vật trong bài thơ “Người con gái Việt Nam” của nhà thơ Tố Hữu, người còn lại có 3 lần vinh dự được gặp Bác Hồ.
Nữ Anh hùng LLVTND 3 lần được gặp Bác Hồ
Chị Trần Thị Lý là một trong ba nữ anh hùng của dòng sông Nhật Lệ năm xưa. Chị sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Phú Thượng, huyện Phú Hải, tỉnh Đồng Hới. Từ nhỏ chị Lý đã nổi tiếng là người hoạt bát, nhanh nhẹn. Lớn lên chị làm nhiệm vụ liên lạc cho Đảng ủy, Xã hội. Năm 19 tuổi, người con gái này được kết nạp Đảng.
Khi Mỹ mở rộng chiến tranh, leo thang ra miền Bắc vào tháng 2/1965, thị xã Đồng Hới là nơi chúng chọn đánh mở đầu. Quê hương chị Lý – Phú Hải trở thành điểm nóng chiến sự. Người con gái tuổi đôi mươi này gia nhập lực lượng dân quân, làm chiến sĩ phòng không nam Cầu Dài, thị xã Đồng Hới.
Trước sự ác liệt của bom đạn giặc Mỹ, chị Lý vẫn luôn giữ vững tinh thần, bản lĩnh, chiến đấu xuất sắc. Không chị gan dạ truyền mệnh lệnh chiến đấu của cấp trên, chị Trần Thị Lý còn cầm súng bắn trả máy bay Mỹ, đào hầm, cứu đồng đội, đồng bào bị bom Mỹ vùi lấp.
Thời điểm Mỹ huy động máy bay ném bom Cầu Dài, triệt hạ thị xã Đồng Hới, chị Trần Thị Lý dũng cảm chèo đò chở Bí thư Đảng ủy xã – Lê Viết Thuật vượt sông đi chỉ đạo dân quân, nhân dân chiến đấu, rồi trở lại trận địa an toàn. Chuyện kể lại, trong một lần bị bom vùi, chị Lý vẫn bình tĩnh cởi áo ngoài khoác lên đầu súng để đất đá khỏi vào làm chẹt nòng. Tiếp đến chị bươn mình ra, nổ súng bắn kẻ thù.
Những thành tích xuất sắc của chị Trần Thị Lý được Đảng và Nhà nước ta tuyên dương anh hùng vào ngày 1/1/1967 và có vinh dự ba lần được gặp Bác Hồ. Trong năm đó, chị Lý được chuyển sang công tác trong quân đội, làm Chính trị viên phó Thị đội Đồng Hới. Ngoài ra, chị còn được cử đi học trường Văn hóa Quân khu, cử đi học tiếp ở Học viện chính trị Quân sự của Bộ Quốc phòng. Năm 1978, chị Trần Thị Lý làm Phó Đội trưởng đội công tác thuộc đoàn 871, Tổng cục chính trị.
Từ 1985, chị Trần Thị Lý giữ chức Phó rồi Giám đốc, Phó Bí thư Chi bộ khách sạn Bạch Đằng của Quân khu 5 ở Đà Nẵng. Chị Lý là Đại biểu Quốc hội khóa IV, V và VI; là Ủy viên BCH TƯ Hội LHPN Việt Nam, Ủy viên TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nữ anh hùng này đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
Nữ Anh hùng LLVTND trong bài thơ của nhà thơ Tố Hữu
Chị Trần Thị Lý này sinh năm 1933, quê ở Quảng Nam. Năm 12 tuổi chị đã tham gia cách mạng, từng bị giặc bắt và tra tấn với những hình thức dã man nhất nhưng vẫn không một lần để lộ thông tin. Tháng 10/1958, sau lần tra tấn của địch, chị Lý kiệt sức, tưởng chừng không qua khỏi. Chúng ném chị ra ngoài nhà lao, phó mặc cho ông trời. May mắn chị Lý thoát chết và được đồng đội đón về, chuyển sang Campuchia, sau đó đưa ra miền Bắc chữa trị.
Tình trạng của chị Trần Thị Lý khiến ai cũng phải xót xa khi nghe kể hoặc chứng kiến. Chị bị suy kiệt, trên người có 42 vết thương liên tục rỉ máu, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Thời điểm được đưa đi chữa trị, chị Lý chỉ còn da bọc xương, nặng chưa đến 26kg, mất hoàn toàn khả năng sinh sản. Khi đến thăm chị Lý, Bác Hồ xúc động nghẹn ngào.
Nhà thơ Tố Hữu sau khi gặp chị Trần Thị Lý đã viết bài thơ nổi tiếng: “Người con gái Việt Nam”:
“Em là ai, cô gái hay nàng tiên?
Em có tuổi hay không có tuổi,
Mái tóc em đây, là mây hay là suối,
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông,
Thịt da em hay là sắt là đồng?”
… “Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!”
… “ Từ cõi chết, em trở về, chói lọi
Như buổi em đi, ngọn cờ đỏ gọi
Em trở về, người con gái quang vinh
Cả nước ôm em, khúc ruột của mình.”
Chị Trần Thị Lý trên giường bệnh với bó hoa của thi sĩ Liên Xô An- tô Côn-sky. Ảnh tư liệu
Tháng 3/1978, chị Trần Thị Lý nên duyên với anh Nguyễn Viết Tuấn. Cả hai tổ chức đám cưới ở Đà Nẵng với sự chúc phúc của bạn bè, người thân. Ngày 20/11/1992, nữ anh hùng này qua đời, nhưng tên tuổi, hình ảnh sáng ngời của chị thì vẫn còn mãi.