Khám phá mới

Vị tướng duy nhất được mệnh danh là ‘át chủ bài’ của ngành tình báo Việt Nam, được đặt tên đường ở Hà Nội

Trong ngành tình báo Việt Nam thời chiến, vị tướng này được xem như “át chủ bài”, người đặc biệt xuất sắc. Ông ghi dấu ấn nhờ những chiến công “có một không hai”.

Xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Việt Nam có rất nhiều điệp viên, nhà tình báo tài năng. Họ đóng góp rất lớn trong sự nghiệp gìn giữ, bảo vệ độc lập dân tộc. Trong số đó, thiếu tướng Đặng Trần Đức là cái tên nổi bật nhất, người được ví như “át chủ bài” của ngành tình báo Việt Nam lúc bấy giờ.

thieu-tuong-ba-quoc-5
Hình ảnh chân dung anh hùng Đặng Trần Đức. Ảnh tư liệu

Tướng Đặng Trần Đức (1922 – 2004), quê ở Thanh Trì, Hà Nội. Ông nổi tiếng với bí danh Ba Quốc – 3Q, Nguyễn Văn Tá. Sở dĩ nói ông là “át chủ bài” là vì vị trí công tác của ông rất đặc biệt, nằm ngay trong sào huyệt của địch – Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo ngụy.

Thiếu tướng Đặng Trần Đức tham gia cách mạng từ những ngày đầu giành chính quyền ở Hà Nội năm 1945. Sau 24 năm hoạt động trong lòng địch, ông thu được nhiều tài liệu, tin tức giá trị cho quân ta. Sau khi đất nước được thống nhất, vị tướng này lại đóng góp cho ngành tình báo qua việc cố vấn.

thieu-tuong-ba-quoc-6
Thiếu tướng Đặng Trần Đức được mệnh danh là "át chủ bài" của ngành tình báo Việt Nam. Ảnh tư liệu

Viết về tướng Ba Quốc trong cuốn “Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng”, tác giả Hoàng Hải Vân – Tấn Tú có đoạn bình luận: “Ông là một trong những nhà tình báo siêu hạng của đất nước ta. Ông là một vị tướng có công lao đặc biệt xuất sắc. Cuộc đời ông là một chuỗi dài những chuyện hào hùng, gay cấn trong suốt ba cuộc chiến tranh vì độc lập tự do của đất nước: chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc”.

thieu-tuong-ba-quoc-1
Thiếu tướng AHLLVTND Đặng Trần Đức (giữa) bên cạnh các đồng nghiệp từng là những điệp viên siêu hạng của ngành tình báo quân sự Việt Nam: AHLLVTND - Tướng Phạm Xuân Ẩn (bên phải ảnh) và Tướng Vũ Ngọc Nhạ (trái). Ảnh tư liệu

Nói đến thiếu tướng Đặng Trần Đức, không thể không kể về những hi sinh của gia đình ông. Để tạo vỏ bọc hoàn hảo cho ông hoạt động, có người thân đã chấp nhận bị chế độ ngụy quyền bắt, tra tấn. Vợ đầu của ông – bà Phạm Thị Thanh cùng các con ở miền Bắc nhận không ít khổ cực cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng vẫn không một lời oán trách. Họ chấp nhận để ông có thể yên tâm công tác.

Thiếu tướng Đặng Trần Đức từng thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng đại, có thể kể đến như cứu Hoàng thân Campuchia Norodom Sihanouk thoát chết trong một vụ ám sát, cứu ông Nguyễn Văn Linh khi ông đang là Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định, xóa sạch 7 ổ gián điệp Mỹ cài cắm ở miền Bắc, chỉ huy tình báo trong chiến tranh bảo vệ biên giới sau năm 1975, phát hiện sớm nhất âm mưu của bọn Pol Pot và quan thầy...

thieu-tuong-ba-quoc-2
Thiếu tướng Đặng Trần Đức và Trung tá Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh tư liệu

Nhờ những đóng góp to lớn của mình, năm 1978, đồng chí Đặng Trần Đức được Chủ tịch nước phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Đến năm 1990, ông được phong hàm thiếu tướng. Sau này, nhà tình báo xuất sắc được đề cử đưa lên làm Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên ông đã từ chối vì tuổi tác cao. Thay vào đó, tướng Ba Quốc giữ chức Cục trưởng, giới thiệu thuộc cấp tin cậy của mình là ông Nguyễn Chí Vịnh lên làm Tổng Cục trưởng. Trước khi nghỉ hưu theo chế độ, vị tướng này đã làm cố vấn cho tướng Vịnh và tham gia Ban chỉ đạo Điệp báo Tổng cục.

thieu-tuong-ba-quoc-3
Ông Ba Quốc bên gia đình người vợ ngoài Bắc sau 21 năm xa cách được đoàn tụ. Ảnh tư liệu

Sinh thời, cố thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh xem thiếu tướng Đặng Trần Đức như ngươi thầy, người cha. Trong cuốn “Người thầy” của mình, tướng Vịnh miêu tả nhà tình báo lỗi lạc này là một người kiệt xuất, vừa nghiêm khắc lại vừa ân cần, dạy dỗ ông từ khi mới bước vào ngành tình báo.

thieu-tuong-ba-quoc-4
Ông Ba Quốc bên gia đình tại Sài Gòn khi đang hoạt động bí mật. Ảnh tư liệu

Tháng 10/2023, Hà Nội chính thức có con đường mang tên tướng Đặng Trần Đức, nằm tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai. Tại buổi lễ gắn biển tên phố, bà Đặng Thị Chính Giang – con gái lớn của cố thiếu tướng vô cùng xúc động. Bà gửi lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước, Tổng cục II, các cấp chính quyền quận Hoàng Mai và không quên nhắc đế thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Bởi khi còn sống tướng Vịnh đã rất tâm huyết và thúc đẩy việc lấy tên tướng Đặng Trần Đức đặt tên phố.