Khám phá mới

Thân thế Tổng Bí thư đầu tiên của ĐCS Việt Nam: Là học trò xuất sắc của Bác Hồ, tấm gương bất diệt

Thân thế Tổng Bí thư đầu tiên của ĐCS Việt Nam: Là học trò xuất sắc của Bác Hồ, tấm gương bất diệt

Vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam là một nhân vật kiệt xuất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời ông dành trọn cho cách mạng, cống hiến không biết mệt mỏi.

Cuối năm 1929, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động tổ chức, chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng ở Hương Cảng, Trung Quốc (từ 6/1 – 7/2/1930). Tại hội nghị, các tổ chức Đảng gồm Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị này cũng có ý nghĩa như một Đại hội thành lập Đảng, những văn kiện được thông qua chính là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

Sau này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết định lấy ngày 3/2 dương lịch hàng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng. Vậy ai là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam?

tong-bi-thu-tran-phu-2
Tượng đồng chí Trần Phú (Hiện vật đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta là đồng chí Trần Phú (1904 – 1931), quê ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1922, ông đỗ đầu kỳ thi Thành Chung do trường Quốc học Huế tổ chức. Sau này, đồng chí có thời gian giảng dạy ở trường Tiểu học Cao Xuân Dục, Thành phố Vinh trước khi chuyên tâm hoạt động cách mạng.

tong-bi-thu-tran-phu-1
Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh tư liệu

Tháng 9/1925, đồng chí Trần Phú được hội Phục Việt cử sang Lào vận động cách mạng. Khi còn hoạt động ở nước bạn, ông đã đi sâu vào đời sống người dân, giác ngộ cách mạng cho họ và bước đầu tự rèn luyện lập trường, ý thức giai cấp công nhân.

Tháng 10/1930, Luận cương chính trị do Trần Phú dự thảo đã được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương thông qua. Đây là văn kiện quan trọng, vận dụng được những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê nin về vấn đề dân tộc, thuộc địa cùng những luận điểm cơ bản trình bày trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được thông qua ở Hội nghị thành lập Đảng.

tong-bi-thu-tran-phu-3
Nhà số 90 Thợ Nhuộm - nơi đồng chí Trần Phú viết dự thảo bản Luận cương chính trị của Đảng cộng sản Đông Dương, tháng 10/1930. Ảnh tư liệu

Đồng chí Trần Phú được đánh giá là người có khí chất thông minh từ nhỏ. Ông cũng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người cử đi học tại Đại học Phương Đông ở Liên Xô. So với các đồng chí khác, đồng chí Trần Phú có phần ưu thế hơn khi biết tiếng Pháp.

tong-bi-thu-tran-phu-4
Bản luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo, tháng 10/1930. Ảnh tư liệu

Sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, đồng chí Trần Phú theo chỉ thị của quốc tế cộng sản đã lên tàu đi Leningrad (nay là thành phố St. Petersburg, Liên bang Nga) bắt đầu về nước hoạt động.

Là một người ưu tú, kiệt xuất của Đảng, dân tộc ta, nhưng đáng tiếc là đồng chí Trần Phú lại ra đi khi còn rất trẻ, chỉ mới 27 tuổi. Ngày 18/4/1931, Tổng bí thư đầu tiên của ĐCS Việt Nam bị kẻ địch vây bắt ở số nhà 66 đường Sampannho, nay là đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM.

tong-bi-thu-tran-phu-5
Khu di tích đồng chí Trần Phú tại Hà Tĩnh. Ảnh: Internet
tong-bi-thu-tran-phu-6
Mộ đồng chí Trần Phú trong khu di tích tại Hà Tĩnh. Ảnh: Internet

Đồng chí Trần Phú bị đưa về giam và hỏi cung. Từ dụ dỗ không được, địch bắt đầu dùng mọi thủ đoạn tàn ác với ông. Cuối cùng, sức khỏe của đồng chí Trần Phú bị suy kiệt, bệnh dịch hạch và lao phổi hành hạ ông. Dù được đưa đến nhà thương để chữa trị nhưng vì bệnh tình quá nặng nên đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 27.