Khám phá mới

Thân thế đặc biệt của vị tướng duy nhất được gọi là ‘Bao Công’: Từ cậu bé bị đuổi học đến người làm nên lịch sử

Không chỉ là người nằm trong số 11 cán bộ được phong hàm cấp tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông còn là một trong những đảng viên đầu tiên của Đông Dương Cộng sản Đảng ở chi bộ Phú Riềng.

Nói đến công tác thanh tra quân đội thời kháng chiến chống Pháp, cái tên nổi bật được nghĩ đến đầu tiên sẽ là thiếu tướng Trần Tử Bình (1907 – 1967). Ông được gọi thân mật là Bao Công, bởi cách làm việc công – tư phân minh, luôn đặt cao lẽ phải, kỷ luật và không bao giờ có chuyện khoan nhượng.   

thieu-tuong-tran-tu-binh-1
Ảnh tư liệu

Còn nhớ năm 1947, trong một lần đi kiểm tra trung đoàn ở Phú Minh (Đại Từ, Thái Nguyên) thiếu tướng Trần Tử Bình cùng đoàn phát hiện ra một số khuyết điểm. Ở đây xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ, chia bè phái và vi phạm kỷ luật dân vận trong hành quân. Sau khi có đủ chứng cứ, thiếu tướng Trần Tử Bình cùng Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái vẫn quyết định nghiêm khắc kỷ luật BCH trung đoàn này. Trong đó, Chính trị viên Trung đoàn cùng Trung đoàn trưởng đã bị cách chức và hạ tầng công tác xuống một cấp, sau đó đưa ra khỏi quân đội.

Theo lời thiếu tướng Trần Thế Môn, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, sinh thời thiếu tướng Trần Tử Bình từng nói: “Làm công tác thanh tra phải làm sao để những nơi mình đến thanh tra có thái độ không đối phó mà tin tưởng trình bày đầy đủ cả hai mặt ưu, khuyết điểm. Không bao giờ để họ thành kiến là thanh tra chỉ đi moi móc khuyết điểm rồi kỷ luật họ”.

thieu-tuong-tran-tu-binh-3
Thiếu tướng Trần Tử Bình những ngày ở Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Nói về thiếu tướng Trần Tử Bình, ngoài là vị tướng thanh tra, ông còn có tiểu sử rất đặc biệt. Tên thật của ông là Phạm Văn Phu, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo theo đạo Thiên Chúa ở xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng mẹ của Phạm Văn Phu vẫn cố gắng cho con trai đi học tại Chủng viện Hoàng Nguyên. Bà kỳ vọng sau này cậu bé Phu sẽ đỗ đạt có chức trong đạo, kiếm tiền cho gia đình.

Nhưng tính cách cậu bé Phu ngày ấy lại khác hẳn bạn bè đồng trang lứa. Cậu không an phận, khá bướng bỉnh và rất thích học hỏi, tìm tòi. Sau này, chính Phạm Văn Phu là người khởi xướng để tang cụ Phan Chu Trinh trong ngôi trường dòng. Việc làm này là tội làm loạn thời điểm đó. Cuối cùng Phạm Văn Phu bị đuổi học, nhận về nhiều dò xét bởi mọi người vẫn quan niệm gia đình nào có con em bị đuổi khỏi Chủng viện sẽ rất khó sống.

Bỏ qua tất cả, Phạm Văn Phu vẫn thấy mình không làm gì sai. Rời trường dòng, cậu gặp được ông Tống Văn Trân – Hội viên Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và xác định mình phải đi theo con đường Công nhân hóa, vận động cách mạng.

thieu-tuong-tran-tu-binh-4
Hai Thiếu tướng Lê Thiết Hùng và Trần Tử Bình cùng đ/c Trương cố vấn, năm 1951 khi ở Côn Minh, Vân Nam. Ảnh minh họa

Dần dà, Phạm Văn Phu càng thấu hiểu thêm về cách mạng, công nhân, giai cấp lãnh đạo cách mạng… Những cuộc đấu tranh mà cậu tham gia được đồng chí Ngô Gia Tự biết đến. Ông đã cử Nguyễn Xuân Cử đến Phú Riềng hoạt động, đồng thời tìm cậu Phu để truyền lửa, hướng dẫn phương pháp đấu tranh. Để rồi sau đó chính cậu Phu đã lãnh đạo làm nên Phú Riêng Đỏ lịch sử.

Từ ngày 30/1 đến 6/2/1930, 5.000 công nhân cao su lao khổ đã đứng lên bãi công. Bọn chủ đã phải chấp nhận toàn bộ yêu sách của công nhân. Chi bộ đã tổ chức biểu tình tuần hành trong các đồn điền, tung bay lá cờ đỏ búa liềm, hát vang bài Quốc tế ca. Cuộc bãi công của công nhân cao su tại Phú Riềng đã làm rung chuyển cả hệ thống địa ngục cao su Đông Dương.

thieu-tuong-tran-tu-binh-2
Vợ chồng thiếu tướng Trần Tử Bình. Ảnh tư liệu

Trải qua những thăng trầm, cuối cùng đồng chí Phạm Văn Phu đã đổi tên thành Trần Tử Bình. Hàm ý của cái tên này là một cuộc đời phong trần, lãng tử, đấu tranh cho độc lập và hòa bình của Tổ quốc. 8 người con của ông sau này cũng lấy họ Trần, lần lượt là: Trần Yên Hồng, Trần Kháng Chiến, Trần Thắng Lợi, Trần Kiến Quốc, Trần Thành Công, Trần Hữu Nghị, Trần Hạnh Phúc, Trần Việt Trung. Tên của họ gắn liền với những sự kiện trọng đại của Việt Nam.

Ngoài công tác thanh tra quân đội, thiếu tướng Trần Tử Bình còn từng làm công tác ngoại giao từ 1959 – 1967. Với cương vị là Đại sức đặc mệnh toàn quyền tại Trung Quốc, đồng chí Trần Tử Bình đã góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa Đảng, Chính phủ, Quân đội và Nhân dân hai nước. Sau khi qua đời, ông được truy tặng Huân chương Sao Vàng và đặt tên phố ở nhiều địa phương.