Hé lộ ‘cha đẻ’ Dinh Độc Lập: Người châu Á duy nhất giành Khôi Nguyên La Mã, là niềm tự hào của Việt Nam
Không chỉ có Dinh Độc Lập, vị KTS này còn là tác giả của nhiều công trình kiến trúc hiện đại như Chợ Đà Lạt, Trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn, Trường Đại học Y khoa Sài Gòn…
Trong giới kiến trúc Việt Nam, có một nhân vật được xem là cây cổ thụ khó ai vượt qua được. Tên tuổi của ông đã vươn tầm ra ngoài thế giới, được bạn bè quốc tế công nhận. Ông có nhiều tác phẩm để đời, ngày nay vẫn còn hiện diện ở khắp đất nước, đặc biệt là TP.HCM. Người đó là kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Thụ (1927 - 2000).
Ông Ngô Viết Thụ từng là sinh viên kiến trúc Paris. Ngày còn trẻ, ông giành giải Paul Bigot do Viện Hàn lâm tổ chức. Năm 1955, chàng trai trẻ mang theo nhiều hoài bão đến tham dự giải Khôi Nguyên La Mã và được đặc cách cho qua vòng sơ tuyển, vào thẳng 3 vòng trong nhờ thực tài được kiểm chứng trước đó. Sau cuộc cạnh tranh với hàng loạt thí sinh xuất sắc đến từ mọi nơi, cuối cùng ông đoạt giải Khôi Nguyên La Mã với số phiếu tuyệt đối.
Thành tích đó là kỳ tích không chỉ với ngành kiến trúc mà còn là niềm tự hào với cả dân tộc Việt Nam. Cho đến nay, KTS Ngô Viết Thụ vẫn là người châu Á đầu tiên giành được giải thưởng này.
Trong sự nghiệp của mình, KTS Ngô Viết Thụ có rất nhiều tác phẩm để đời, gắn liền với Sài Gòn. Ông là người đã thiết kế Tổng mặt bằng Sài Gòn – Chợ Lớn, Dinh Độc Lập, Chợ Đà Lạt, Trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn, Viện Đại học Huế, Trường Đại học Y khoa Sài Gòn…
Trong số đó, được nhắc đến nhiều nhất hẳn là Dinh Độc Lập. Tháng 2/1962, ông Ngô Đình Diệm quyết định xây mới Dinh Độc Lập với diện tích 4.500 m2, tổng diện tích sà 20.000 m2, gồm tòa nhà chính 3 tầng, 2 gác lửng, 1 sân thượng và 1 tầng hầm. Ngày đó, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ ra gần 150.000 lượng vàng (khoảng 9.000 tỷ ngày nay) để xây dựng dinh này.
Dinh Độc Lập là công trình đầu tay của KTS Ngô Viết Thụ sau khi ông về Việt Nam. Nó không hề cứng nhắc theo kiến trúc phương Tây hiện đại mà có sự kết hợp tài tình với kiến trúc Á Đông, đặc biệt là kiến trúc truyền thống Việt Nam.
Theo chia sẻ của KTS Ngô Viết Nam Sơn, nhiều người hiểu sai cha ông thiết kế riêng cho ông Ngô Đình Diệm, nhưng thực ra ông xây chung cho những nguyên thủ quốc gia. Đó là lý do khu ở của thủ tướng ông không làm gì hết. KTS Ngô Viết Thụ quan niệm vị trí này chỉ là tạm thời.
Toàn thể bình diện của Dinh làm thành hình chữ CÁT ( 吉 ) có nghĩa là tốt lành, may mắn; Tâm của Dinh là vị trí phòng Trình quốc thư; Lầu thượng là Tứ phương vô sự lầu hình chữ KHẨU ( 口 ) để đề cao giáo dục và tự do ngôn luận. Hình chữ KHẨU ( 口 ) có cột cờ chính giữa sổ dọc tạo thành hình chữ TRUNG ( 中 ) như nhắc nhở muốn có dân chủ thì phải trung kiên. Nét gạch ngang được tạo bởi mái hiên lầu tứ phương, bao lơn danh dự và mái hiên lối vào tiền sảnh tạo thành hình chữ TAM ( 三 ), theo quan niệm dân chủ hữu tam viết nhân, viết minh, viết võ, ý mong muốn một đất nước hưng thịnh thì phải có những con người hội đủ 3 yếu tố Nhân, Minh, Võ. Ba nét gạch ngang này được nối liền nét sổ dọc tạo thành hình chữ VƯƠNG ( 王 ), trên có kỳ đài làm thành nét chấm tạo thành hình chữ CHỦ ( 主 ) tượng trưng cho chủ quyền đất nước. Mặt trước của dinh thự, toàn bộ bao lơn lầu 2 và lầu 3 kết hợp với mái hiên lối vào chính cùng 2 cột bọc gỗ phía dưới mái hiên tạo thành hình chữ HƯNG ( 興 ) ý cầu chúc cho nước nhà được hưng thịnh mãi.
Ngành kiến trúc nói riêng, cả Việt Nam nói chung đều thấy tự hào về KTS Ngô Viết Thụ. Ông là thành viên Hội Kiến trúc Sư Pháp SADG từ năm 1955 và thành viên Kiến trúc sư Đoàn Việt Nam từ 1958. Ông cũng là người châu Á đầu tiên làm Viện sĩ Danh dự của Viện Kiến trúc Hoa Kỳ (H.F A.I.A), đồng lúc với 1 số KTS danh tiếng khác.
Sau 1975, KTS Ngô Viết Thụ trở thành cố vấn BCH Hội KTS Việt Nam, cố vấn BCH Hội KTS TP.HCM các nhiệm kỳ I, II, III và IV. Người đàn ông này còn là thành viên tổ chuyên gia tư vấn kiến trúc cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ông còn đương nhiệm.