Khám phá mới

Bí ẩn về ‘Đường Tăng Việt Nam’: Thân thế không thể giải mã, ngàn năm thân xác vẫn còn nguyên vẹn?

Bí ẩn về ‘Đường Tăng Việt Nam’: Thân thế không thể giải mã, ngàn năm thân xác vẫn còn nguyên vẹn?

Cho đến nay, trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, chưa có vị sư nào lại để lại dấu ấn lớn như Thánh tổ Không Lộ. Ông còn được mệnh danh là “Đường Tăng Việt Nam” vì cũng từng đến Tây Thiên thỉnh kinh.

Dưới triều đại nhà Lý, ở Việt Nam có một vị sư nổi tiếng, là bậc tu hành được suy tôn làm thánh. Ông được xem như một nhân vật siêu phàm, có công đầu trong việc sáng tạo văn hóa một số vùng cư dân hai bên hạ lưu sông Hồng từ thế kỷ thứ 11.

Ngài có nhiều tên gọi, nhưng pháp danh được biết đến nhiều nhất là Dương Không Lộ. Cho đến nay thân thế thật sự của vị đại sư này vẫn là bí ẩn không thể giải mã với các nhà nghiên cứu. Họ không thể phân biệt nổi liệu thiền sư Dương Không Lộ và thiền sư Minh Không có phải là một người hay không? Hai vị thiền sư này có rất nhiều điểm trùng hợp. Nhưng số thư tịch cổ để lại là chưa đủ để khẳng định điều gì.

thien-su-khong-lo-5
Tượng thờ Thánh Không Lộ tại đền Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn, Ninh Bình). Ảnh: Lê Thái Dũng

Thông tin được chia sẻ nhiều nhất cho biết, thiền sư Dương Không Lộ sinh vào năm 1016 đời Lý Thái Tổ. Ngài có tên thật là Nguyễn Chí Thành, quê ở thôn Điềm Xá, phủ Trường An (nay thuộc xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Ngài là con của ông Nguyễn Sùng, bà Dương Thị Mỹ. Gia đình tuy nghèo khó nhưng lại rất thiện lành, chăm lo làm ăn.

Năm 1044 ở triều Lý Thái Tông, Nguyễn Chí Thành khi ấy 29 tuổi đã quyết định bỏ nghề đánh cá để theo học đạo thiền. Về sau ông đắc đạo và trở thành Tổ thứ 10 của thiền phái Vô Ngôn Thông, một thiền phái được thành lập ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 9.

Đến năm 1057, thiền sư Dương Không Lộ chuyển sang học thiền phái Thảo Đường và trở thành Tổ đời thứ 3 của thiền phái này. 3 năm sau đó, thiền sư cùng sư Đạo Hạnh, Giác Hải đã sang Tây Trúc tu luyện đạo Phật, được Phật Tổ giác ngộ và truyền cho phép lạ. 1 năm sau họ về nước và dựng chùa Nghiêm Quang, tiền thân của chùa Thần Quang ngày nay.

thien-su-khong-lo-6
Tượng đồng Không Lộ thiền sư ở đền Vệ Xá (Đức Long, Quế Võ, Bắc Ninh). Ảnh: Internet

Trong sử sách Việt Nam có chép lại sự kiện thiền sư Dương Không Lộ chữa khỏi căn bệnh quái lạ cho vua Lý Nhân Tông. Chuyện rằng vua thường ngự ở điện Liên Mộng. Một hôm có 2 con tắc kè kêu trên xà nhà khiến vua sợ hãi sinh bệnh, thuốc thang mãi không khỏi.

Biết chuyện, sư Không Lộ cùng sư Giác Hải vào yết kiến. Dương Không Lộ đọc 3 câu chú bỗng dưng tắc kè không kêu nữa. Lúc sau Giác Hải lấy tràng hạt ra gõ vào cột điện, 2 con tắc kè liền rơi xuống. Vua Lý Nhân Tông cũng nhờ đó mà khỏi bệnh. Sau lần đó, vua phong cho Không Lộ làm Quốc sư, còn Giác Hải thì được ban Quốc tính.

thien-su-khong-lo-3
Vào tháng 9 âm lịch, chùa Keo – Thái Bình và chùa Keo – Hành Thiện lại tổ chức lễ hội mừng ngày sinh thiền sư Không Lộ. Ảnh: GD&TĐ

Thêm một điều kỳ lạ về “Đường Tăng Việt Nam” là ông dù đã mất hàng nghìn năm nhưng thân thể vẫn nguyên vẹn. Sử sách chép, ngày 3/6 năm Hộ Trường Khánh thứ 10 đời Lý Nhân Tông, Thiền sư Không Lộ viên tịch. Ông được làm lễ hỏa táng, thu xá lợi Phật, xây tháp thờ trước chùa Nghiêm Quang.

Thế nhưng có truyền thuyết ở làng Keo (Vũ Thư – Thái Bình) cho biết trước khi viên tịch, thiền sư Dương Không Lộ đã hóa thành khúc gỗ trầm hương, lấy áo đắp lên và khúc gỗ biến thành tượng. Thánh tượng đó về sau được lưu giữ trong hậu cung rất cẩn thận.

thien-su-khong-lo-2
Tượng thiền sư Không Lộ thờ tại chùa Keo. Ảnh: GD&TĐ

Đến tận bây giờ, làng Keo cứ 12 năm một lần sẽ tổ chức lễ trang hoàng tượng Thánh. Những người ăn chay, mặc quần áo mới sẽ vào rước tượng thánh từ cấm cung ra, dùng nước dừa pha tinh bưởi để tắm và tô son lại cho tượng Thánh. Dĩ nhiên, nhóm người cũng phải giữ kín bí mật toàn bộ những gì nhìn thấy trong lúc trang hoàng tượng Thánh.

thien-su-khong-lo-1
Chùa Keo - Hành Thiện vào hội. Ảnh: GD&TĐ
thien-su-khong-lo-4
Một số di vật, sắc phong liên quan đến thiền sư Không Lộ. Ảnh: GD&TĐ

Cuốn “Không Lộ thiền sư ký ngữ lục” cho biết, năm 1061, thiền sư Dương Không Lộ đã dựng chùa Nghiêm Quang ở làng Giao Thủy (tên nôm là làng Keo). Sau khi ông qua đời, chùa được đổi tên là Thần Quang Tự. Năm 1611, trận lũ lớn cuốn trôi cả chùa, nhân dân phải bỏ quê ra đi. Trong số những người dân tha hương khi đó có một nửa về Đông Nam hữu ngạn sông Hồng, sau dựng nên chùa Keo – Hành Thiện (nay thuộc xã Xuân Trường – Nam Định), còn một nửa dạt về Đông Bắc tả ngạn sông Hồng, dựng nên chùa Keo – Thái Bình ngày nay. Cả hai ngôi chùa Keo đều lưu giữ nhiều di vật quý liên quan đến thiền sư Không Lộ.