Khám phá mới

Vị tướng người Tày đầu tiên của QĐND Việt Nam: Được đích thân Bác đặt tên, tên tuổi lẫy lừng lịch sử

Sinh thời, người đàn ông này là Tư lệnh đầu tiên của Quân khu Việt Bắc (nay là Quân khu I), cũng là vị tướng người dân tộc Tày đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong chiến tranh chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, Quân đội nhân dân Việt Nam có rất nhiều vị tướng tài giỏi, vang danh sử sách. Nhưng vị tướng đầu tiên là người dân tộc Tày thì chỉ có một. Ông là Thiếu tướng Lê Quảng Ba (1914 – 1988).

Tướng Lê Quảng Ba là nguyên Tư lệnh đầu tiên của Quân khu Việt Bắc (nay là Quân khu I), từng làm Khu trưởng Quân khu Hà Nội (nay là Bộ tư lệnh Thủ đô), Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa III (1960 – 1976); Đại biểu Quốc hội khóa III – IV – V.

thieu-tuong-le-quang-ba-1
Thiếu tướng Lê Quảng Ba. Ảnh tư liệu

Đồng chí Lê Quảng Ba, tên thật là Đàm Văn Mông, người dân tộc Tày, quê ở xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Có thể nhiều người chưa biết, ông chính là người đã bảo vệ và dẫn đường đưa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước vào ngày 28/1/1941. Ngoài ra, đồng chí Lê Quảng Ba còn chịu trách nhiệm về nơi ăn, chốn ở, nơi họp và bảo vệ Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ VIII do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì ở Khuổi Nặm (Pác Bó – Cao Bằng).

Chuyện kể rằng mùa đông năm 1939, đồng chí Lê Quảng Ba và đồng chí Trần Sơn Hùng (Thiếu tướng Hoàng Sâm sau này) được giao nhiệm vụ bảo vệ căn cứ địa cách mạng. Thời đó bọn phỉ hoành hành khu vực Hà Quảng, Cao Bằng, quấy nhiễu đời sống người dân. Một hôm chúng kéo quân đến Pác Bó uy hiếp: “Tao biết ông Trần (tức Hoàng Sâm), ông Lê (tức Lê Quảng Ba) là Cộng sản ở gần đây. Mày báo cho hai vị là Lỷ Síu, muốn mời hai vị đến uống rượu chơi!”.

thieu-tuong-le-quang-ba-2
Khu trưởng Quân khu Hà Nội Lê Quảng Ba tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp (31-5-1946). Ảnh tư liệu KMS

Biết chuyện, ông Trần và ông Lê nhận lời mời với ý định dùng mưu đánh cho chúng một đòn. Đầu tiên, ông Trần đi vào ổ phỉ đấu rượu. Tửu lượng quá cao của ông khiến Lỷ Síu kiêng dè, muốn mời ông Lê đến. Một lúc sau ông Lê có mặt. Trùm phỉ lại mời 2 vị xuống núi đi dạo. Đến một cây to, Lỷ Síu nói: “Tài bắn súng của ông Lê đã lừng danh thiên hạ, bách phát bách trúng, tôi vốn có lòng hâm mộ. Hôm nay được hội ngộ, xin được ông chỉ giáo cho”.

Trùm phỉ lấy tay chỉ vào vạch tròn trên cây si làm hồng tâm rồi bóp cò. Đạn đi chệch tâm chỉ vài phân. Chưa hết mùi thuốc súng thì đồng chí Lê Quảng Ba rút súng bắn ngay, đúng luôn hồng tâm khiến tên phỉ thán phục.

Đi thêm một đoạn, Lỷ Síu lại thách: “Tôi với ông Lê bắn cây hóp to nhất nhé!”. Nhưng không hiểu sao Lỷ Síu từ một kẻ bách phát bách trúng nay lại bắn trượt, đạn chỉ sượt qua cạnh cây hóp, để lại vết xước nhỏ. Trong khi đó, đồng chí Lê Quảng Ba chỉ sau một động tác dơ súng, bóp cò dứt khoát đã khiến cây hóp nứt toạc ra. Lần đó Lỷ Sỉu tái mặt nói với ông Lê: “Quả là danh bất hư truyền”.

thieu-tuong-le-quang-ba-3
Thiếu tướng Lê Quảng Ba (1957). Ảnh tư liệu

Nhưng trùm phỉ vẫn chưa chịu thua, hắn lại thách đồng chí Lê Quảng Ba bắn trúng quả đu đủ chín cách chừng năm, sáu chục mét. Không chần chừ, đồng chí nheo mắt, nổ súng. Viện đạn bay xuyên quả đu đủ, khiến hạt đen bên trong rơi xuống. Ông còn nổ thêm một phát trúng cuống, cả quả rơi bịch xuống đất. Đến đây Lỷ Sỉu chỉ biết trầm trồ nể phục: “Tôi thật là… đứng trước Thái Sơn mà không biết. Xin bái phục, bái phục!”.

Cũng kể từ đó Lỷ Síu cùng bọn phỉ không còn béng mảng đến rừng Pác Bó. Câu chuyện “đấu súng, đấu rượu” của đồng chí Lê Quảng Ba và đồng chí Hoàng Sâm được lan truyền khắp nơi.

Trong số các cán bộ ở Pác Bó ngày ấy, đồng chí Lê Quảng Ba là người rất được Bác yêu quý. Cái tên Lê Quảng Ba của ông là do Bác đặt. Với ông, đó là niềm hạnh phúc, tự hào không ngôn từ nào diễn tả nổi.

thieu-tuong-le-quang-ba-4
Ảnh tư liệu
thieu-tuong-le-quang-ba-5
Ảnh tư liệu

Năm 1959, đồng chí Lê Quảng Ba được phong hàm Thiếu tướng, trở thành vị tướng người dân tộc Tày đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và là Tư lệnh đầu tiên của Quân khu Việt Bắc. Dù là người chức cao vọng trọng, nhưng hình ảnh của ông trong mắt gia đình, hàng xóm vẫn rất đỗi gần gũi. Mọi người ấn tượng với ông khi là một vị tướng cả cuộc đời sống giản dị, liêm khiết.