Thân thế cậu bé ‘đi lạc’ trong bức ảnh lịch sử chụp Bác Hồ: Gia đình 4 đời được gặp Bác, là tướng quân đội
Ngày 19/5/1954, ở chiến khu Việt Bắc, nhiếp ảnh gia Vladimir Isurin đã chụp lại một bức ảnh lịch sử của dân tộc ta. Đó là bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng bí thư Trường Chinh, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Hoàng Văn Thái và Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm cùng 6 chiến sĩ Điện Biên Phủ. Điều đáng nói, trong bức ảnh này có sự xuất hiện của một cậu bé lạ mặt. Thời điểm đó không ai biết cậu bé là ai, tại sao lại “đi lạc” vào bức hình.
Cậu bé năm ấy chính là Hồ Sỹ Hậu, giờ đây đã là Thiếu tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Không còn là một đứa trẻ, hiện tại ông cũng đã U80. Cậu bé Hồ Sỹ Hậu sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm 8 tuổi, cậu cùng cha lên chiến khu Việt Bắc và có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với Bác Hồ nhiều lần.
Trong ký ức của mình, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu kể lại, ông từng được Bác gọi lên ăn cơm cùng, được Người xới cơm cho và dạy dỗ nhiều điều hay lẽ phải. Kể lại với báo chí, ông Hậu cho biết: “Lúc nào tôi cũng chỉ thấy Bác mặc một bộ quần áo nâu, thi thoảng tôi cũng hay lên nhà sàn chơi, có khi Bác cho ngồi vào lòng, cảm giác thật ấm áp, tràn đầy yêu thương”.
Bác Hồ trò chuyện với 6 chiến sĩ Điện Biên Phủ (chú bé trong bức ảnh nay là Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu). Ảnh tư liệu
Về bức ảnh lịch sử có sự xuất hiện của mình, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu cho biết, sáng ngày 19/5, ông cùng bạn bè ở chiến khu cùng nhau diện quần áo mới, quàng khăn đỏ để đến chúc mừng sinh nhật Bác. Sau khi được Bác cho kẹo, đám trẻ nán lại xem báo và múa hát. Đến khi bạn tản đi chơi hết, chỉ có cậu bé Hậu vẫn đứng trước sân.
Lát sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các 6 chú bộ đội đến gặp Bác. Họ nói chuyện một lúc rồi Người gắn huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cho từng chiến sĩ. Cậu bé Hậu chưa ý thức được chuyện gì, vẫn quen chân chạy vào ngồi trong lòng Bác. Thấy vậy, Người nghiêm mặt nói: “Bác đang làm việc sao lại vào đây, các cô, các chú đâu? Thực sự chưa bao giờ tôi thấy Bác nghiêm như thế, tôi có chút sợ sệt liền chạy ra, đứng lấp ló sau gốc cây”.
Thế nhưng, đến lúc chụp hình, Bác lại hỏi: “Thằng Hậu đâu?”. Sau đó Người vẫy cậu bé vào cùng chụp ảnh. Và thế rồi cậu bé nhỏ con lọt vào bức hình lịch sử ấy, đứng ở hàng thứ nhất cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau này ông Hậu còn có may mắn nhiều lần khác được gặp và ăn cơm cùng Bác. Với ông, đó là niềm tự hào, cũng là những ký ức đẹp mà suốt cuộc đời không thể nào quên nổi. Tiết lộ với báo chí, Thiếu tướng Hậu cho biết: “Gia đình tôi là một gia đình may mắn vì 4 đời đều được gặp Bác Hồ. Bởi vậy, tôi có trách nhiệm dạy con cháu phải sống sao cho xứng đáng với vinh dự ấy”.
Được biết, gia đình Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu đã có 4 thế hệ được gặp Bác. Đầu tiên là Cụ Hồ Sĩ Tư, đồng chí của cụ Nguyễn Sinh Sắc, cụ Phan Bội Châu. Thứ hai là Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hồ Sĩ Tá (ông nội Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu). Thứ ba là đồng chí Hồ Viết Thắng (cha của Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu) và đời thứ tư là Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu.
Sau khi lớn lên, cậu bé Hậu năm nào quấn quýt bên Bác ở chiến khu Việt Bắc đã quyết định nhập ngũ, làm kỹ sư thiết kế thi công tuyến ống xăng dầu vượt Trường Sơn. Chiến tranh khép lại, ông về công tác ở Bộ Quốc Phòng, làm Cục trưởng Cục Kinh tế. Ông Hồ Sỹ Hậu được phong hàm Thiếu tướng trong giai đoạn cuối đời binh nghiệp.