Khám phá mới

Người đoàn viên đầu tiên của Việt Nam khiến địch nể trọng gọi ‘Ông Nhỏ’, tên được đặt cho nhiều địa danh

Người đoàn viên đầu tiên của Việt Nam khiến địch nể trọng gọi ‘Ông Nhỏ’, tên được đặt cho nhiều địa danh

Người anh hùng này là một trong những nhà cách mạng trẻ tuổi nổi tiếng nhất Việt Nam. Ông hy sinh khi chỉ mới 17 tuổi, nhưng tên tuổi, ý chí kiên cường đó thì vẫn mãi in sâu trong tâm khảm người dân.

Một buổi chiều ngày 8/2/1931, cuộc mít tinh kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Yên Bái diễn ra trên đường phố Sài Gòn. Giữa đám đông, để bảo vệ cuộc diễn thuyết của chiến sĩ cách mạng Phan Bôi, một người thanh niên đã rút súng bắn chết tên mật thám Legrand. Người thanh niên đó là Lý Tự Trọng, người anh hùng trẻ tuổi lưu danh sử sách của Việt Nam.

Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, con của ông Lê Hữu Đạt và bà Nguyễn Thị Sờm ở xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình họ có truyền thống yêu nước, từng có thời gian phải phiêu bạt sang Thái Lan sống. Lê Hữu Trọng được sinh ra ở nơi đất khách quê người nhưng được cha mẹ dạy dỗ không bao giờ được quên nguồn cội. Thế nên trong tâm trí người thanh niên đó luôn luôn hướng về Việt Nam, nhức nhối khi biết đất nước đang chịu cảnh xâm lược.

ly-tu-trong-2
Tựợng đồng anh Lý Tự Trọng trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet

Năm 10 tuổi, Lê Hữu Trọng được Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Trung Quốc sang Thái Lan chọn đưa về Quảng Châu ăn học. Cũng trong thời gian đó ông được đồng chí Lý Thụy (tức lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc) đổi tên thành Lý Tự Trọng rồi giới thiệu vào học cấp tiểu học thuộc Đại học Trung Sơn ở Quảng Châu.

Chẳng mấy chốc mà Lý Tự Trọng đã thông thạo tiếng Trung, biết cả tiếng Anh. Chàng thanh niên này được giao nhiệm vụ làm liên lạc, giúp việc ở Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu. Sự nhanh nhẹn, thông minh của Lý Tự Trọng đã giúp việc liên lạc giữa Tổng bộ và cán bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên đang hoạt động tại Trung Quốc hoạt động trơn tru, hiệu quả.

ly-tu-trong-3
Bức ảnh quý hiếm hoi về anh hùng Lý Tự Trọng do Tỉnh đoàn Hà Tĩnh khai thác ở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Năm 1929, Lý Tự Trong đi cùng đồng chí Ung Văn Khiêm về nước. Họ trốn dưới hầm chứa than của tàu biển Trung Quốc suốt 15 tiếng, vượt qua sự khám xét gắt gao và đặt chân đến Sài Gòn vào đêm khuya. Trở lại quê hương, Lý Tự Trọng đổi tên thành Nguyễn Huy để tiện hoạt động cách mạng. Anh vừa làm công tác quần chúng, vừa phiên dịch tiếng Trung, tiếng Anh, làm giao thông liên lạc cho Xứ ủy…

Sau lần nổ súng bắn tên Legrand, Lý Tự Trọng bị bắt, giam cầm và tra tấn dã man. Nhưng người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi vẫn kiên trung, giữ vững tinh thần đến cùng. Ở Khám Lớn Sài Gòn, bọn cai ngục, mật thám không tài nào lay chuyển được anh. Chúng kính nể gọi Lý Tự Trọng là “Ông Nhỏ”.

ly-tu-trong-1
Ảnh chân dung anh hùng Lý Tự Trọng. Ảnh tư liệu

Ngày 18/4/1931, Lý Tự Trọng bị Tòa Thượng thẩm Sài Gòn tuyên án tử hình, 20 năm khổ sai đày ra Côn Đảo với Phan Bôi. Ở phiên tòa đó, luật sư vì để bào chữa cho Lý Tự Trọng đã nói: “Bị can chưa đến tuổi thành niên nên hoạt động không có suy nghĩ”. Ngay lập tức, người anh hùng trẻ tuổi đứng lên tuyên bố dõng dạc: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng không thể có con đường nào khác”.

Trong những tháng ngày cuối đời ở trong ngục tù, Lý Tự Trọng vẫn lạc quan, chăm chỉ đọc sách, giữ vững niềm tin vào thắng lợi của cách mạng. Bọn Thực dân Pháp không dám xử tử anh công khai mà phải lén làm việc đó vào rạng sáng 21/11/1931. Trước khi lên máy chém, Lý Tự Trọng vẫn ngân vang bài Quốc tế ca.

L9rqtkz3
Bức ảnh hiếm hoi về anh hùng Lý Tự Trọng chụp ở Quảng Châu (Trung Quốc) khi thăm mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái được trưng bài tại nhà truyền thồng Lý Tự Trọng. Ảnh: V.ĐỊNH

Lý Tự Trọng hy sinh năm 17 tuổi, một độ tuổi quá trẻ, nhưng anh mãi là tấm gương in sâu trong tâm trí của người dân Việt Nam. Tưởng nhớ sự đóng góp, tinh thần bất khuất của người anh hùng trẻ tuổi này, nhiều con đường, trường học ở Việt Nam đặt theo tên của anh. Lý Tự Trọng cũng được Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh công nhận là người Đoàn viên đầu tiên, có tấm thẻ Đoàn viên danh dự số 1. Tên của anh còn được đặt cho một giải thưởng của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.