Công trình thủy lợi hùng vĩ bậc nhất Việt Nam: Là đường mòn Hồ Chí Minh trên sông, hơn nghìn năm tuổi
Năm 980, sau khi đánh đuổi quân Tống, bình định đất nước, vua Lê Đại Hành lên ngôi và lập nên nhà Tiền Lê. Thời bấy giờ, nhiệm vụ cấp bách đặt ra là cần có một con đường để phục vụ giao thương, tăng khả năng điều động quân đội trong nước. Vua Lê Đại Hành đã lập tức ra lệnh đào Kênh nhà Lê.
Con kênh này trở thành công trình giao thông đường thủy lớn nhất nước khi đó, kéo dài từ Hoa Lư, Ninh Bình đến đèo Ngang, Hà Tĩnh, gần biên giới giữa Đại Cồ Việt và Chăm Pa ngày ấy. Kênh nhà Lê kết hợp giữa các đoạn sông tự nhiên có sẵn và cả sức người đào không biết mệt mỏi.
Các triều đại sau này vẫn tiếp tục mở rộng, cơi nới kênh nhà Lê. Có thời điểm nó dài đến hơn 500km. Chiếu theo đơn vị hành chính ngày nay, con kênh này là hệ thống đường thủy nối liền 4 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Khi có chiến tranh xảy ra, quân đội sẽ điều binh qua tuyến đường này.
Trong “Đại Việt sử ký toàn thư” chép lại, đoạn kênh Sắt là đoạn kênh tốn nhiều công sức, đổ nhiều mồ hôi và máu nhất khi đào kênh nhà Lê. Năm 1003, Lê Hoàn đã phải trực tiếp vào tận Nghệ An để chỉ đạo thực hiện việc này. Đoạn kênh Sắt nối từ xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An đến xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Chiều dài của nó chỉ 19km, nhưng vì có nhiều mỏ sắt, đá quặng rắn trong lòng đất nên gặp rất nhiều khó khăn.
Rất nhiều triều đại ở Việt Nam khi đào kênh, đến đoạn kênh Sắt này đều “bó tay”. Phải đến hơn 800 năm, tức vào năm 1866, ông Nguyễn Trường Tộ đích thân đến đây thị sát mới tìm được cách đào tránh những mỏ đá, quặng rắn. Với sự chỉ đạo của ông Nguyễn Trường Tộ, đoạn kênh Sắt đã được khơi thông.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, các tuyến đường bộ đều chịu sự oanh tạc của quân Mỹ. Trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng, Cục Đường sông Việt Nam đã quyết định khôi phục kênh nhà Lê để mở đường vận tải. KT65 được thành lập, là ban chỉ đạo nạo vét con kênh huyền thoại này. Đến năm 1965, con kênh dài hơn 500km đã được thông, có thể cho phép các thuyền có tải trọng trên 10 tấn đi lại.
Ngày nay dù không còn giữ được hình dáng hoàn chỉnh như ban đầu nhưng nhiều địa phương vẫn còn dấu tích của con kênh lịch sử năm nào. Tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An còn có di tích kênh nhà Lê. Đó cũng là nơi tưởng niệm 130 liệt sĩ ngành giao thông vận tải đã hi sinh anh dũng trong giai đoạn Kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia vào tháng 7/2016.