Khám phá mới

Chân dung dàn tướng lĩnh Quân khu 4 được Bác Hồ đặt tên: Có vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Trong dàn tướng lĩnh của Quân khu 4 có nhiều người được đích thân Bác Hồ đặt tên. Họ đều là những nhân vật tài ba, kiệt xuất, văn võ song toàn.

Khu 4 hoặc Chiến khu 4 là một đơn vị hành chính – quân sự cũ ở vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam. Theo Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 15/10/1945, toàn quốc chia làm 9 chiến khu. Khu 4 thuộc Bắc Trung Bộ, gồm có 5 tỉnh là: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Thiếu tướng Lê Thiết Hùng là người đầu tiên được bổ nhiệm làm Khu trưởng Khu 4, cũng là Tư lệnh đầu tiên của Lực lượng Vũ trang Quân khu 4. Trong dàn tướng lĩnh Khu 4 được Bác Hồ đặt tên cũng có mặt tướng Lê Thiết Hùng.

Thiếu tướng Lê Thiết Hùng (1908 – 1986).

Ông là vị Tư lệnh đầu tiên của Quân khu 4, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước ở Nghệ An. Thân sinh của tướng Lê Thiết Hùng từng là nghĩa quân của Phan Đình Phùng. Tên thật của vị tướng này là Lê Văn Nghiệm (còn có tên khác là Lê Trị Hoàn). Sau khi tham gia cách mạng, gặp Bác Hồ (khi ấy Bác lấy tên là Lý Thụy) ở Quảng Châu. Tại đây, Bác đặt tên mới cho ông là Lê Quốc Vọng (nhớ về Tổ quốc) và gửi đi học ở Trường Quân sự Hoàng Phổ.

Tốt nghiệp Hoàng Phổ xong, tướng Lê Thiết Hùng được giao nhiệm vụ gia nhập Quốc dân Đảng để hoạt động. Lần này ông lại được Bác đặt bí danh mới là “Cây gỗ Mun”.

tuong-quan-khu-4-1
Thiếu tướng Lê Thiết Hùng. Ảnh tư liệu

Sau này Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Lê Quốc Vọng được Thường vụ Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm chỉ huy trưởng Tiếp phòng quân. Trong ngày tiễn ông lên đường nhận nhiệm vụ, Bác cũng đặt cho vị tướng này tên mới: Lê Thiết Hùng. Dụng ý của Người là hi vọng chất thép, chất hùng trong con người ông sẽ phát huy để hoàn thành nhiệm vụ.

Để tương đương với thiếu tướng chỉ huy Tiếp phòng không quân của Pháp, Thường vụ TW Đảng và Bác Hồ đã quyết định phong quân hàm Thiếu tướng cho Lê Thiết Hùng (Quyết định số 185 ngày 24/9/1946, Bộ trưởng nội vụ Huỳnh Thúc Kháng ký). Và đến tháng 8/1948 Quân đội ta mới phong quân hàm cấp Tướng lần thứ nhất vì thế lịch sử Quân đội gọi Lê Thiết Hùng là vị tướng đầu tiên của Quân đội ta.

Thiếu tướng Nguyễn Sơn (1908–1956).

Thiếu tướng Nguyễn Sơn là Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 4, trong 2 năm 1948 – 1949. Tên thật của ông là Vũ Nguyên Bắc. Năm 1925, đồng chí Vũ Nguyên Bắc được vận động sang Trung Quốc hoạt động cách mạng và được gia nhập “đại gia đình họ Lý” với những Lý Thụy (Hồ Chí Minh), Lý Tống (Phạm Văn Đồng), Lý Tự Trọng (Lê Văn Đài), Lý Quý (Trần Phú), Lý Trí Phương (Nguyễn Thị Minh Khai). Ông được Bác đặt tên cho là Lý Anh Tự.

tuong-quan-khu-4-2
Thiếu tướng Nguyễn Sơn. Ảnh tư liệu

Khi về Việt Nam hoạt động, vị tướng này lại được Bác Hồ đặt cho tên mới là Nguyễn Sơn. Ý Người muốn chỉ: “Giang sơn, Tổ quốc là trên hết”. Thiếu tướng Nguyễn Sơn được gọi là “Lưỡng quốc Tướng quân” vì vừa làm Thiếu tướng ở Việt Nam, vừa được phong Thiếu tướng ở Trung Quốc.

Thượng tướng Đàm Quang Trung (1921–1995).

Thượng tướng Đàm Quang Trung có tên thật là Đàm Ngọc Lưu, người dân tộc Tày ở Cao Bằng. Ông sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, 14 tuổi đã tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1941, đồng chí Đàm Ngọc Lưu sang Tĩnh Tây (Trung Quốc) làm liên lạc cho cơ quan lãnh đạo ĐCS Đông Dương. Tại đây ông gặp Bác Hồ và được Người đặt cho tên mới là Đàm Quang Trung. Bác còn cử ông đi học ở Trường Quân sự Hoàng Phố cùng các đồng chí Vũ Lập, Hoàng Văn Thái, Hoàng Sâm, Hoàng Minh Thảo…

tuong-quan-khu-4-3
Thượng tướng Đàm Quang Trung. Ảnh tư liệu

Từ 1/1973 – 6/1976, đồng chí Đàm Quang Trung là Phó Bí thư Đảng ủy, kiêm Tư lệnh Quân khu 4. Ông ghi dấu ấn với hình ảnh một người chỉ huy toàn năng, giúp bộ đội ăn no, đánh thắng. Những “ao cá Quang Trung” của ông năm xưa nay vẫn được thừa kế, phát huy tác dụng trong doanh trại quân đội.

Thiếu tướng Hoàng Sâm (1915–1968).

Thiếu tướng Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo ở Quảng Bình. Vì hoàn cảnh mà cả nhà đồng chí Trần Văn Kỳ phải sang Thái Lan làm thuê. Năm 1927, ông có cơ hội gặp Bác Hồ khi Bác sang Thái Lan hoạt động với cái tên Thầu Chín. Thế rồi năm 12 tuổi, đồng chí Trần Văn Kỳ đã theo đồng chí Thầu Chín vừa học vừa làm, vận động bà con Việt Kiều tham gia phong trào yêu nước.

tuong-quan-khu-4-4
Thiếu tướng Hoàng Sâm. Ảnh tư liệu

Năm 1940, Bác Hồ gửi đồng chí Trần Văn Kỳ vào Trường Quân sự Bội Công. Người còn đặt cho ông cái tên Hoàng Sâm (củ sâm vàng) để ghi nhớ những ngày mình nương nhờ nhà thuốc lương y Trần Văn Cáp (cha của đồng chí Trần Văn Kỳ) tại Thái Lan. Bác cũng mong đồng chí Hoàng Sâm sẽ như vị thuốc quý, cứu rỗi đồng bào đang lầm than nô lệ.

Thiếu tướng Hoàng Sâm được phong quân hàm cấp Thiếu tướng trong đợt đầu tiên của quân đội ta vào năm 1948. Cuối năm 1967 ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu Trị Thiên – Huế.

Trung tướng Lê Hiến Mai (1918-1992).

Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4 từ 1965 đến 1967, cố Trung tướng Lê Hiến Mai tên thật là Nguyễn Văn Phường, còn có tên khác là Dương Quốc Chính. Ông là một trong những cán bộ được phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên của Quân đội ta vào năm 1948. Cũng trong Lễ phong quân hàm năm đó, Bác Hồ vừa trao Quyết định vừa nói với ông rằng: “Bác cải lại tên chú là Lê Hiến Mai là cống Hiến thật nhiều cho ngày Mai tươi sáng của đất nước”.

tuong-quan-khu-4-5
Trung tướng Lê Hiến Mai (thứ nhất từ trái sang), Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Song Hào tại kỳ họp Quốc hội hóa VI, ngày 1/7/1976. Ảnh tư liệu

Đại tướng Chu Huy Mân (1913 – 2006).

Đại tướng Chu Huy Mân là nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Tên thật của ông là Lê Văn Điều, từng được kết nạp Đảng vào tháng 5/1930. Ông là tướng lĩnh quân đội đầu tiên nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Trong sự nghiệp của mình, riêng với Quân khu 4, Đại tướng Chu Huy Mân đã lần đảm nhiệm trọng trách Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu. Lần 1, từ 1/1957 đến 12/1957, lần 2 từ tháng 2/1961 đến tháng 1/1962 ông còn kiêm chức Tư lệnh Quân khu.

tuong-quan-khu-4-6
Đại tướng Chu Huy Mân. Ảnh tư liệu

Đại tướng Chu Huy Mân có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng cái tên ông cũng như đồng đội yêu quý nhất là “Hai Mạnh”. Đây là cái tên Bác Hồ đặt cho ông. Chuyện là năm 1967, đồng chí Chu Huy Mân khi đó vừa phải làm nhiệm vụ chỉ huy, vừa làm công tác chính trị Tây Nguyên. Biết chuyện, Bác đã đặt cho ông cái tên “Hai Mạnh” với lời nhắn nhủ: “Chú chịu khó gánh cả hai vai cho khỏe càng tốt”. Từ đó về sau, đồng chí luôn ký trong các công văn, điện với cái tên “Hai Mạnh”.

Theo Báo Quân khu 4