Khám phá mới

Bí ẩn về dòng tộc của Đức Phật, hậu duệ nay vẫn tồn tại, có cuộc sống giàu sang nhờ nghề gia truyền

Trên thế giới hiện vẫn tồn tại hậu duệ của dòng tộc Thích Ca. Đây là dòng tộc của Đức Phật, sinh sống chủ yếu tại Nepal. Đa số con cháu họ Thích Ca đều có cuộc sống dư dả, khấm khá.

Theo Kinh Tạng Nam Truyền, Đức Phật có họ Cù Đàm (Cồ Đàm). Danh từ đó xuất hiện nhiều trong kinh ghi lại cuộc đối thoại giữa các đạo sĩ Bà la môn với Đức Phật. Còn theo Kinh Trường Bộ, Kinh Sa Môn Quả, Đức Phật từng nói tổ tiên của Ngài có họ Cù Đàm. Luật Tạng Nam Truyền cũng chép lại, Đức Phật gọi phụ vương của mình là Cù Đàm. Kinh Tương-ưng IV còn giải thích thêm rằng những người thuộc dòng họ Thích Ca cư trú tại Ca-tỳ-la-vệ có họ là Cù Đàm, trong khi đó nếu họ cư trú tại những vùng khác như Cātumā, Khomadussa, Sāmagāma…thì lại mang họ khác. Sau này, các Phật tử tôn xưng Đức Phật là Shakyamuni, Hán Việt đọc là Thích Ca Mâu Ni.

dong-ho-thich-ca-2
Ảnh minh họa Đức Phật Thích Ca

Theo tìm hiểu, dòng họ Thích Ca là một thị tộc Ấn Độ cổ đại trong thời kỳ Vệ-đà (1000 – 500 TCN), sang đến thời kỳ Mahajanapada (khoảng 600 - 200 TCN) trong  lịch sử Ấn Độ và Nepal ngày nay. Thị tộc này tồn tại tương ứng khoảng cuối thời kỳ đồ sắt (khoảng 600 – 300 TCN).

Có thể nhiều người đã biết, thị tộc Thích Ca có một tiểu quốc riêng với danh hiệu Śākya Gaṇarājya, kinh đô là thành Ca-tỳ-la-vệ, tương ứng vị trí ngày nay tại làng Tilaurakot (Nepal) hoặc làng Piprahwa (Ấn Độ).

dong-ho-thich-ca-3
Di tích thành Ca Tỳ La Vệ. Ảnh: Thanh Niên

Đức Phật có tên khi sinh ra là Tất-đạt-đa Cồ-đàm, con trai vua Tịnh Phạn, một lãnh thị tộc và là quốc vương của tiểu quốc Śākya Gaṇarājya. Các nghiên cứu đều đã chỉ ra rằng ông là nhân vật lịch sử có thật, nhân vật kiệt xuất nhất của thị tộc Thích Ca.

Ngày nay tộc Thích Ca vẫn là một dòng họ phổ biến ở Nepal. Đa số họ đều là những gia đình ưu tú, giàu có và có nghề truyền thống nổi tiếng thế giới là đúc tượng đồng.

dong-ho-thich-ca-4
Mộ vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da Thùy Dương. Ảnh: Thanh Niên

Thủ đô Kathmandu của Nepal có rất nhiều gia đình hành nghề đúc tượng đồng truyền thống. Tượng Phật giáo là loại họ đúc nhiều nhất. Trong đó, các gia tộc Thích Ca nổi bật hơn cả nhờ sự khéo léo, tinh xảo trong điêu khắc và sử dụng chất liệu cao cấp. Người ta truyền miệng nhau rằng tượng dòng tộc Thích Ca làm tốt nhất Nepal, mỗi pho tượng lại có thần thái riêng, vô cùng tỉ mỉ.

Tượng Phật nhà Thích Ca đã là thương hiệu riêng, được đưa đi khắp nơi trên thế giới. Nhờ đó mà hậu duệ của dòng tộc này cũng có được cuộc sống giàu có, sung túc.

dong-ho-thich-ca-1
Dòng họ Thích Ca luôn cần mẫn duy trì nghề truyền thống, từ đó có được cuộc sống giàu có. Ảnh: Internet

Được biết, tượng Phật do dòng tộc Thích Ca làm rất đa dạng, có thể cao gần 50cm, nhưng cũng có thể chỉ nhỏ vài cm. Giá thành của nó tương xứng với kích thước. Tượng 4 – 5 cm, được phủ vàng sẽ bán với giá vài chục USD, tượng cao từ 14 – 25 cm, phủ vàng hoàn toàn hoặc một nửa sẽ giá vài nghìn USD.

dong-ho-thich-ca-5
Một số sản phẩm của dòng họ Thích Ca. Ảnh: Internet

Các nghệ nhân điêu khắc của họ Thích Ca còn được mời ra nước ngoài để chế tác. Trước đây, ông Raj Kumar Shakya, người nối nghiệp đời thứ 4 của dòng họ đã được mời đến Bhutan để làm một dự án lớn ở tỉnh Lhuntche Dzong. Người đàn ông này tiết lộ, mình ấp ủ ước mơ xây dựng một tu viện ở Nepal hoặc một bức tượng lớn như tượng Liên Hoa Sanh đạo sư ở Bhutan.