Vị quan nhiếp chính cuối cùng của Việt Nam: Thay vua trị nước, tài năng, đức độ hơn người
Sử sách nước ta ghi nhận vị quan này là một người tài năng, đức độ. Ông xuất thân dòng dõi quý tộc, là hậu duệ của Chúa Hiền.
Tôn Thất Hân (1854–1944) là một trong những vị quan có những đóng góp lớn trong giai đoạn cuối của triều Nguyễn. Ông xuất thân từ dòng dõi tôn thất, vốn là hậu duệ của Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (Chúa Hiền).
Tôn Thất Hân được đào tạo bài bản tại Quốc Tử Giám và giữ nhiều chức vụ quan trọng qua các triều vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, và Bảo Đại. Một số chức vụ nổi bật của ông bao gồm: Thượng Thư Bộ Hình (1907), Phụ Chánh Đại Thần (1907), Thái Tử Thiếu Bảo kiêm Đông Các Điện Đại Học Sĩ và Quản Khâm Thiên Giám Sự Vụ (1917), Phò Quang Hầu (1928), Cần Chánh Điện Đại Học Sĩ (1932), và Phò Quang Quận Vương (1944). Những đóng góp của ông đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử triều Nguyễn.
Đặc biệt, vai trò của Tôn Thất Hân được thể hiện rõ nét nhất trong thời vua Bảo Đại. Vị vua cuối cùng của triều Nguyễn ngay khi vừa đăng quang và phải trở lại Pháp để tiếp tục du học vào năm 1926, Tôn Thất Hân khi đó đã về hưu nhưng được mời quay lại để giữ chức Phụ Chánh Thân Thần và Đại Đại Biểu Quân Quyền. Nói một cách dễ hiểu thì vị quan này được giao nhiệm vụ điều hành triều đình nhà Nguyễn thay cho vua Bảo Đại giai đoạn đó.
Trong thời gian giữ quyền, Tôn Thất Hân được đánh giá là một vị quan tài năng, đức độ, và tận tâm phụng sự triều đình. Ông giải quyết một cách khéo léo, hiệu quả từ chính trị, ngoại giao đến quân sự. Ngoài ra, ông còn có công trong việc xây dựng và tu bổ nhiều công trình văn hóa, đáng chú ý là chùa Phò Quang. Đến năm 1932, khi vua Bảo Đại trở về từ Pháp, Tôn Thất Hân đã chính thức trao lại quyền điều hành và thực sự về hưu, khép lại sự nghiệp phụng sự đầy cống hiến của mình.
Ngoài ra, Tôn Thất Hân còn nổi tiếng với tài năng thơ văn. Nói đến ông là nói đến các tác phẩm nổi tiếng như: Tiên Nguyên Toát Yếu Phổ Tiền Biên, Việt Sử Diễn Ca, và Việt Sử Diễn Nghĩa Tứ Tự Ca,…
Ngày 3/9/1944, Tôn Thất Hân qua đời, hưởng thọ 91 tuổi. Ghi nhận những đóng góp to lớn của ông, vua Bảo Đại đã truy phong ông danh hiệu Phò Quang Quận Vương, đây là một vinh dự lớn lao, khẳng định sự kính trọng mà triều đình dành cho ông.