2 thiếu nữ kéo cờ Tổ quốc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập: Bất ngờ thân thế, 1 người sau là vợ đại tướng
Trong lễ Tuyên ngôn độc lập năm 1945, hai người đảm nhận vai trò kéo cờ là hai thiếu nữ tuổi chỉ vừa 19, 20. Vì sao họ được chọn? Cuộc sống sau này ra sao?
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Trong buổi lễ lịch sử đó, người vinh dự kéo lá cờ Tổ quốc là hai thiếu nữ đang ở độ tuổi trăng tròn.
Người đầu tiên là Giáo sư Dương Thị Thoa hay còn gọi là Lê Thi (1926 – 2020). Bà xuất thân trong một gia đình nho học, con gái của cố giáo sư Dương Quảng Hàm. Năm 1945, Lê Thi tham gia mặt trận Việt Minh và hoạt động bí mật trong Đoàn Phụ nữ Cứu quốc.
Ngày 2/9/1945, Lê Thi khi chỉ mới 19 tuổi đã gia nhập đoàn diễu hành của Liên khu 1, hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”. Bất ngờ nhất vẫn là việc bà được chọn kéo cờ sau đó. Sau này nhớ lại, vị giáo sư vẫn không khỏi bồi hồi.
“Việc tôi được chọn kéo cờ trong lễ Tuyên ngôn Độc lập là hoàn toàn ngẫu nhiên, không hề được báo trước. Đang đứng trong hàng, có người nói: “Các cô cử một người lên kéo cờ”. Tôi đang đứng ở ngay đầu hàng, các đồng chí trong hàng đều nói: “Thi lên đi”. Thực sự, lúc đó tôi sợ lắm, tự nhiên nói lên kéo cờ là lên, chẳng được báo trước gì cả! Đang lưỡng lự thì trên gọi, dưới thúc, nên tôi “liều” bước lên”, một trong hai thiếu nữ kéo cờ ngày 2/9/1945 kể lại.
Có thể nhiều người không biết, chữ “Lê” trong tên Lê Thi là do giáo sư Dương Thị Thoa lấy từ họ Lê của vua Lê Lợi (Lê Thái Tổ), chữ “Thi” là tên một người bạn thân của bà. Bí danh Lê Thi được bà sử dụng xuyên suốt trong quá trình hoạt động cách mạng sau này.
Chồng của giáo sư Lê Thi sau này là Lê Hồng Hà, một chiến sĩ bảo vệ dưới chân cột cờ trong lễ Tuyên ngôn Độc lập. Sau buổi lễ đó khá lâu họ mới gặp lại nhau, nảy sinh tình cảm và nên duyên.
Người kéo cờ còn lại là một cô gái dân tộc Tày tên Đàm Thị Loan (tên thật Đàm Thị Nết, 1926 – 2010), quê ở xã Bình Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Bà Loan tham gia Việt Minh từ năm 1940, lấy bí danh là Thanh Xuân. Ngày 2/9/1945, bà được giao nhiệm vụ kéo cờ cùng với đồng chí Dương Thị Thoa.
Sau này, bà Loan trở thành một chiến sĩ gắn bó với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Năm 1975 bà được thăng hàm Thiếu tá, 2 năm sau là Trung tá. Có thể nhiều người không biết, bà Loan chính là phu nhân của cố Đại tướng Hoàng Văn Thái.