Tin nóng 24/10: Lời khai kẻ đầu độc người tình rồi lao ô tô xuống đèo Bảo Lộc; Vụ cầu hôn rồi sát hại có tình tiết sốc
Tin nóng 24/10: Lời khai của nữ nghi phạm đầu độc người tình rồi chở thi thể lao xuống đèo Bảo Lộc; Bắt quả tang cán bộ cơ sở cai nghiện ma túy ở Hà Nội đánh bạc; Vụ cầu hôn rồi sát hại bạn gái ở Đà Nẵng: Xót xa tin nhắn cuối của nạn nhân, lộ nhiều tình tiết đau xót.
Lời khai của nữ nghi phạm đầu độc người tình rồi chở thi thể lao xuống đèo Bảo Lộc
Ngày 24/10, thông tin từ lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau quá trình điều tra, cơ quan công an đã thu thập các tài liệu, chứng cứ chứng minh Trần Nguyễn Thu Trang (39 tuổi, quê tỉnh Đồng Tháp) là nghi can trong vụ án xe ô tô lao xuống vực sâu trên đèo Bảo Lộc cách đây 3 ngày.
Báo Lâm Đồng đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã thi hành lệnh bắt giữ khẩn cấp đối với Trần Nguyễn Thu Trang để điều tra hành vi Giết người.
Quá trình điều tra, với những bằng chứng mà cơ quan điều tra thu thập được, Trần Nguyễn Thu Trang thừa nhận đã dùng chất xyanua đầu độc ông V. tại TP HCM rồi chở lên đèo Bảo Lộc để thi tang thi thể. Trang khai đã đặt mua chất độc xyanua trên mạng trong tháng 9 vừa qua.
Theo điều tra, chiều 20/10, Trang và người đàn ông V. lái ô tô từ Đồng Tháp về TP HCM. Do mâu thuẫn tình cảm, Trang dùng chất độc xyanua sát hại ông này. Nghi phạm lái ô tô chở thi thể nạn nhân về nhà trọ ở quận 7, TP HCM, đến sáng hôm sau chở lên Lâm Đồng tìm cách phi tang. Tại đèo Bảo Lộc, Trang lái ô tô lên xuống đèo nhiều lần để tìm vị trí.
Đến 12h ngày 21/10, Trang đến khu vực đèo ở xã Đại Lào, rồi lao xuống vực sâu "với ý định tự sát". Ô tô biến dạng, móp méo phần đầu và cửa, kính trước bị rạn, hai túi khí ở ghế lái và ghế phụ đều bung ra nên Trang chỉ bị thương nhẹ, thông tin này được đăng tải trên tờ VnExpress.
Temu chưa đăng ký vẫn hoạt động ở Việt Nam: Đại biểu Quốc hội sốt ruột, yêu cầu "phản ứng" ngay
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn ĐBQH TP.HCM) nhìn nhận "cơn sốt" hàng giá rẻ tràn vào Việt Nam qua thương mại điện tử như Temu, Tabao hay Shein... đang đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước.
Đại biểu Ngân cho rằng, các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein chưa hẳn do sự tiến bộ của khoa học công nghệ mà chỉ do quy trình sản xuất và phân phối ưu việt hơn, khiến giá thành hạ. Bên cạnh đó, do người bán hàng không chịu các loại thuế, trốn thuế và không phải chịu các chi phí khác khiến giá thành giảm.
Khi các loại hàng hóa không đóng thuế, hạ giá bán để ồ ạt vào Việt Nam, sẽ tác động đến các ngành sản xuất trong nước, thiếu sự công bằng đối với các doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa.
"Chúng ta khuyến khích thương mại điện tử nhưng có phải kiểm soát chặt chẽ để chống gian lận thương mại, trốn thuế, đảm bảo sự công khai, minh bạch, tạo sự công bằng đối với sản xuất nội địa"- ông Ngân nêu quan điểm.
Cựu đội trưởng PCCC khai 'có đến karaoke An Phú nhưng chỉ kiểm tra vòng vòng'
Chiều 24-10, bước vào phần xét hỏi, các bị cáo trong vụ án cháy quán karaoke An Phú tiếp tục trả lời các câu hỏi của HĐXX.
Ngoài việc bị cáo Phạm Thị Hồng, cựu cán bộ công an phủ nhận cáo trạng. Bị cáo Phạm Quốc Hùng, cựu Đội trưởng PCCC cũng khai là có đến karaoke An Phú kiểm tra, chứ không phải như cáo trạng nêu là không trực tiếp đến hiện trường kiểm tra mà nể nang mối quan hệ với đồng nghiệp nên đã lập khống biên bản kiểm tra, nghiệm thu.
Trả lời tại tòa, Hùng không nhớ rõ mốc thời gian đến kiểm tra karaoke An Phú nhưng khẳng định có đến. Lúc này, bị cáo căn cứ hồ sơ để kiểm tra, nghiệm thu các thiết bị PCCC.
Hùng còn khai là đi kiểm tra karaoke An Phú một mình và có làm việc với bị cáo Phạm Thị Hồng (công tác cùng đội với Hùng), được biết cơ sở này là chỗ người thân của Hồng.
Lúc gặp bị cáo Hồng tại quán karaoke, Hùng hỏi Hồng chủ cơ sở đâu, Hồng bảo vắng mặt, sau đó bị cáo đi kiểm tra "vòng vòng". Bị cáo nghĩ không có chủ đầu tư nên chỉ xem xét bằng mắt thường, không vận hành thử. Lúc đó, bị cáo nghĩ do không đủ thành phần nên ra về, mặt khác cũng nể nang bị cáo Hồng là đồng nghiệp.
Bắt quả tang cán bộ cơ sở cai nghiện ma túy ở Hà Nội đánh bạc
Ngày 24/10, lãnh đạo Công an huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã khởi tố vụ án liên quan nhóm đối tượng có hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc tại một nhà dân trên địa bàn thị trấn Tây Đằng.
Đáng chú ý, trong số các "con bạc" bị cơ quan công an bắt quả tang có ông Nguyễn Nghĩa Dân (SN 1978, trú tại thôn Vân Hồng, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì). Ông Dân là cán bộ công tác tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội.
Liên quan vụ việc, một lãnh đạo Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội cho biết, ông Nguyễn Nghĩa Dân là đảng viên, viên chức công tác tại cơ sở. Sau khi xảy ra sự việc, đơn vị đã báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời ra quyết định tạm đình chỉ công tác với ông Dân.
Bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội xác nhận, Sở đã nhận được báo cáo từ Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội và đang xác minh, giải quyết sự việc.
Vụ cầu hôn rồi sát hại bạn gái ở Đà Nẵng: Xót xa tin nhắn cuối của nạn nhân, lộ nhiều tình tiết đau xót
Theo Vietnamnet, chị Y Thỉu (chị gái của nạn nhân) đã tiết lộ thêm nhiều chi tiết bất ngờ liên quan đến chị H và Minh. Theo đó, năm 2020, H ra Đà Nẵng kiếm việc làm phụ chồng nuôi con. Nhưng 2 năm sau, H và chồng ly hôn, đưa cháu N.D (4 tuổi) về sống cùng ông bà ngoại. Đến Tết 2024, H quen Phan Văn Minh qua mạng xã hội. Minh có đến nhà H chơi rồi ở lại nhiều ngày. Vì con gái đã 1 lần ly hôn nên gia đình cũng không cấm cản chuyện tìm hiểu. Dù vậy, gia đình H không thể ngờ Minh đã có vợ con và từng bị phạt tù.
Khoảng tháng 3/2024, Minh ra Đà Nẵng sống cùng Y.H. Thời gian đầu, gã đi làm ở một tiệm giặt ủi quần áo. Không được bao lâu, Minh nghỉ việc, mọi chi tiêu sinh hoạt đều do chị H lo liệu. Trong thời gian sống chung đó, H nhiều lần bị Minh đánh đập, thậm chí nhốt trong phòng trọ nhiều ngày, không cho đi làm.